Chẳng lẽ mặc...quần bò khi thi đấu?
Một VĐV nam môn thể dục dụng cụ đã liên lạc với PV Thanh Niên, chia sẻ quan điểm: “Nghị định nghiêm cấm các phương pháp tập luyện thi đấu, các bài tập có tính chất khiêu dâm, đồi trụy, trái với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Trong thể thao, ngoại trừ những môn đối kháng hay một số nội dung biểu diễn đòi hỏi các động tác khỏe khoắn, mạnh mẽ như nội dung kata trong môn võ karate hay quyền taekwondo, thì nhiều môn biểu diễn khác không thể không có những động tác gợi cảm. Nếu quy kết là khiêu dâm thì đã đi ngược lại lịch sử tồn tại hàng trăm năm của những môn thể thao văn minh đó trước khi nó được du nhập vào VN”.
Cũng theo tuyển thủ quốc gia này, có những môn thể thao mang tính chất cá biệt, đòi hỏi phải có trang phục phù hợp. Anh nói: “Như chúng tôi, khi tập hay thi đấu các nội dung của môn thể dục dụng cụ mà không mặc những bộ quần áo bó sát người thì không thể thực hiện được động tác. Chẳng lẽ lại mặc quần bò lên sàn thi đấu. Hay như các đồng nghiệp của tôi ở môn thể hình, nam chỉ mặc quần nhỏ, nữ mặc bikini - đó là những quy định bắt buộc để phô diễn hình thể, các múi cơ nổi cuồn cuộn như thế nào. Vậy cũng bị coi là đồi trụy sao? Môn khiêu vũ thể thao, có những bài nhảy điệu Latin, các bộ phận nhạy cảm của hai VĐV nam, nữ va chạm vào với nhau theo tiếng nhạc. Nếu xem đó là khiêu dâm là hoàn toàn sai”.
Ông Đỗ Đình Kháng - Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao, phụ trách các môn thể hình, cử tạ (Tổng cục TDTT), cho hay: “Quả thật tôi rất ngạc nhiên với quy định ở điều 7 của Nghị định 46. VĐV thể hình có trang phục phải nói là hở nhất trong số các môn thể thao biểu diễn. Nhưng đó là luật thi đấu. Bây giờ không lẽ đè VĐV hay HLV ra phạt tiền vì cho rằng đó là khiêu dâm? Bộ phận xây dựng nghị định có lẽ chưa hiểu rõ bản chất một số môn thể thao nên còn đưa ra những câu chữ làm người trong cuộc rất lo lắng. Với môn thể hình, còn có nội dung “model fitness”, trang phục VĐV tối giản. Tại VN không phát triển nội dung này nhưng khi ra nước ngoài thi đấu, các tuyển thủ của chúng ta phải tuân thủ theo điều lệ và cũng phải mặc rất hở, chỉ che một chút các phần nhạy cảm. Vào cuộc thi, tất cả VĐV cả ta và quốc tế đều phải mặc như vậy và không thấy có bất kỳ sự dung tục nào ở đây. Họ phô diễn hình thể rất đẹp, rất khỏe khoắn trước sự chứng kiến của hàng nghìn khán giả. Vẻ đẹp hình thể nếu được đặt đúng chỗ, thậm chí còn phải cần được cổ súy, chứ sao lại coi đó là khiêu dâm nếu chỉ chăm chăm nhìn vào mỗi trang phục”.
Quả thật tôi rất ngạc nhiên với quy định ở điều 7 của Nghị định 46. VĐV thể hình có trang phục phải nói là hở nhất trong số các môn thể thao biểu diễn. Nhưng đó là luật thi đấu. Bây giờ, không lẽ đè VĐV hay HLV ra phạt tiền vì cho rằng đó là khiêu dâm?
Ông Đỗ Đình Kháng
- Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao, phụ trách các môn thể hình, cử tạ |
Mới chỉ thấy yoga khỏa thân trên facebook cá nhân
Một trưởng bộ môn thuộc Tổng cục TDTT nói: “Quy định bằng văn bản về trang phục của môn khiêu vũ thể thao hay một số môn biểu diễn khác rất khắt khe. Ví dụ với VĐV nữ, không được sử dụng đồ lót siêu nhỏ, ngực bắt buộc phải che. Những vùng nhạy cảm phải được che phủ bằng chất liệu không trong suốt. Những quy định này nhằm hướng tới một tiêu chí là đảm bảo cho môn khiêu vũ thể thao là môn rất đứng đắn, cơ thể VĐV vẫn được che chắn ở mức độ phù hợp. Tôi không rõ thế nào là cố tình biến tấu động tác không phù hợp như ý kiến của Bộ VH-TT-DL vì bản chất các động tác của khiêu vũ cũng đã rất gợi cảm. Gợi cảm và dung tục rất khác nhau. Nếu nhìn nhận vấn đề bằng con mắt không thiện chí thì rất khó. Môn bóng chuyền bãi biển, bơi lội, bơi nghệ thuật cũng yêu cầu VĐV mặc những bộ quần áo đặc thù. Trong Nghị định 46, thẩm quyền xử phạt thuộc về cơ quan thanh tra chuyên ngành, UBND và công an nhân dân các cấp, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Chúng tôi thực sự quan ngại vì những cơ quan chức năng này đều không am tường về thể thao”.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Xuân Phúc - Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, tiết lộ rằng ở VN đã xuất hiện yoga khỏa thân. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 2.8, ông Vũ Trọng Lợi - Chủ tịch Liên đoàn Yoga VN, nói: “Đến thời điểm này, theo sự quan sát của chúng tôi, không có nơi nào cho tập yoga khỏa thân cả. Trong yoga cũng không có động tác nào mà người tập phải khỏa thân mới tập được. Chỉ mới thấy xuất hiện trên các trang Facebook cá nhân, một số phụ nữ đăng tải hình ảnh của chính họ, thực hiện động tác yoga trong tư thế khỏa thân. Với những trường hợp này, chiểu theo nghị định, là sẽ bị phạt. Còn nếu có trung tâm hay cơ sở nào đó kinh doanh yoga khỏa thân thì chắc chắn sẽ bị phạt vì theo luật TDTT sửa đổi và Nghị định 46 mới ban hành, đây là hành vi khiêu dâm, kích dục”.
Sẽ xảy ra tranh cãi
Đây không phải lần đầu tiên ngành thể thao gặp khó bởi những quy định chưa thực sự rõ ràng, còn “mơ hồ” về khái niệm và quy trình thực hiện. Bằng chứng sống động nhất là Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, sau hai năm ban hành vẫn chưa thể đi vào cuộc sống, cũng vì vướng mắc câu chữ mà hiện cả Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL đang phải tìm mọi cách tháo gỡ.
Với Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao (do Thanh tra Bộ VH-TT-DL soạn thảo), theo ý kiến của một lãnh đạo Tổng cục TDTT, sẽ không có thêm thông tư hướng dẫn nữa vì nội dung xử phạt đã rất rõ về các khoản tiền phạt. Tuy nhiên, theo vị quan chức này, quá trình thực thi nghị định sẽ không hề dễ dàng vì ở cuộc thi đấu, các VĐV luôn tuân thủ theo điều lệ, vậy căn cứ vào đâu để kết luận họ ăn mặc hở hang hay có những động tác khiếm nhã, khiêu dâm. Khi mọi thứ chưa rõ ràng thì tranh cãi xảy ra là điều khó tránh khỏi.
|
Bình luận (0)