'Không thể coi nạn chấn thương ở U.23 Việt Nam là quy luật'

12/12/2015 09:13 GMT+7

Như đã trở thành một 'quy luật', trong đợt tập trung mới nhất, các cầu thủ U.23 VN lại dính chấn thương các kiểu và tình hình có vẻ trở nên nghiêm trọng đến mức người ta phải đặt câu hỏi: HLV Miura đang làm gì vậy?

Như đã trở thành một 'quy luật', trong đợt tập trung mới nhất, các cầu thủ U.23 VN lại dính chấn thương các kiểu và tình hình có vẻ trở nên nghiêm trọng đến mức người ta phải đặt câu hỏi: HLV Miura đang làm gì vậy?
Chấn thương khiến Hữu Dũng (phải), Lâm Ti Phông có nguy cơ ngồi nhà - Ảnh: Minh Hoàng
Hơn 20 ca chấn thương trong vòng 1 năm rưỡi
Mới hội quân được 10 ngày để chuẩn bị cho vòng chung kết U.23 châu Á nhưng gần như ngày nào đội U.23 cũng có thêm “thương bệnh binh”. Chứng kiến đều đặn hai buổi tập sáng - chiều của thầy trò HLV Miura, chúng tôi xót ruột khi liên tục thấy bác sĩ chạy vào sân để xịt thuốc giảm đau vào chân cầu thủ hoặc hình ảnh một số cầu thủ trẻ lê bước khỏi sân tập với vẻ mặt rất đau đớn.
Hôm kia, tiền vệ Tuấn Anh làm HLV Miura xanh mặt vì đang chạy bỗng dưng ngồi phịch xuống đất, rồi gượng dậy và đi cà nhắc ra ngoài đường biên cho bác sĩ chăm sóc. Anh bị tổn thương dây chằng đầu gối phải (hồi tháng 5, khi chuẩn bị cho SEA Games 28, Tuấn Anh cũng bị viêm gân cơ nhị sau đùi trái trong một buổi tập).
Ca mới nhất ngày hôm qua (11.12), hậu vệ trái Dương Văn Khoa bị lật cổ chân và khi được “điệu” lên khám ở Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội, bác sĩ dự đoán anh sẽ mất khoảng một tháng mới khỏi. Trước đó, Xuân Trường, Duy Mạnh, Lâm Ti Phông, Văn Dũng cũng chấn thương với mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Hồng Duy bị chấn thương đầu gối và tất cả các buổi tập của đội từ ngày 2.12 đến nay, cầu thủ của HAGL chỉ đi bộ. Chưa kể, hai trụ cột chính ở tuyến giữa là Huy Toàn, Ngọc Thắng cũng đã phải trở về CLB vì chấn thương khá nặng, không kịp hồi phục trong vòng một tháng tới.
HLV Miura (áo đỏ) đang bị chỉ trích vì để xảy ra tình trạng khủng hoảng chấn thương ở U.23 Việt Nam - Ảnh: Minh Hoàng
HLV Miura ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá VN vào tháng 5.2014 và theo thống kê của chúng tôi, 1 năm rưỡi qua đã có khoảng 20 ca chấn thương, trong đó 10 ca chấn thương tái phát khi cầu thủ lên tuyển… Năm ngoái, trợ lý Đặng Phương Nam từng phải cõng tuyển thủ Vũ Minh Tuấn rời sân vì Tuấn bị lật cổ chân. Cũng ở đợt tập trung này, Huy Toàn bị lật cổ chân, Anh Đức bị căng cơ, Quốc Anh giãn cơ, Âu Văn Hoàn rách bắp. Ở những lần tập trung khác, Văn Thắng, Ngọc Thắng, Thành Lương cũng bị vấn đề ở dây chằng hay khớp đầu gối bị tổn thương.
Các cầu thủ U.23 VN không dám than phiền một cách công khai, nhưng một cầu thủ trẻ đã tâm sự riêng với Thanh Niên rằng đôi lúc anh cảm thấy cực kỳ đuối vì những bài tập nặng của HLV Miura và lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo tái phát chấn thương cũ. Hôm qua, chúng tôi đã gọi điện để xin phỏng vấn các quan chức VFF nhưng hầu hết đều báo bận hoặc không nghe máy.
Một lãnh đạo chủ chốt VFF (ông đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ sự bất an: “Tôi khá lo vì ngày nào cũng nghe tin cầu thủ U.23 bị đau chỗ nọ, chấn thương chỗ kia. Thậm chí Công Phượng còn bị gãy bàn tay. Đội đang lắp ráp đội hình mà nhân sự cứ khủng hoảng thế này thì lắp ráp sao đây. Chưa ra trận mà chiến sĩ đã không khỏe thì khó mong có thành tích tốt lắm. Cầu thủ chẳng dám nói vì sợ mất lòng thầy. Bộ phận chuyên môn của VFF thì dường như đang phó thác hết cho HLV Miura và trợ lý thể lực Kubo. Trong cuộc họp Ban Chấp hành VFF vào tuần trước, đã có nhiều ủy viên quan ngại là ông Miura đang gánh quá nhiều việc, không ai biết ông ấy đang làm gì và làm như thế nào! Không thể coi việc cầu thủ chấn thương trở thành “thói quen”, thành “quy luật” như vậy được”.
HLV Miura đang đốt cháy giai đoạn?
Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế phân tích: “Tôi có cảm giác HLV Miura đang muốn đốt cháy giai đoạn để có ngay thành tích chiều lòng dư luận. Xét về góc độ khoa học, ở mỗi lần tập trung dù ngắn hay hay dài của một đội bóng, bao giờ giai đoạn đầu cũng phải rèn sức mạnh, sức bền rồi sau đó chuyển dần sang các bài tập rèn sức nhanh. Nhưng ông Miura đã tập với cường độ cao ngay từ đầu, khi cơ thể cầu thủ chưa kịp thích ứng, thì việc chấn thương dây chằng đầu gối, cổ chân, háng; bị căng cơ, rách bắp là điều hiển nhiên.
 Nhiều cầu thủ không quen với các bài tập cường độ cao mà HLV Miura đang áp dụng - Ảnh: Minh Hoàng
Ông Miura cho tập sức nhanh cực đại ngay chứ không chú trọng đến khối lượng chịu đựng (rèn sức chịu đựng của cơ thể). Đấy là điều cực kỳ nguy hiểm. Cầu thủ sẽ rất dễ bị rách bắp do những cú bật, vọt đột ngột hay quá mức. Ở đội U.23 VN có tình trạng cầu thủ vừa khỏi chấn thương nhưng phải tập luyện trở lại với cường độ cao thì nguy cơ tái phát hoặc dính chấn thương khác là cực cao. Và thực tế đã xảy ra đúng như vậy”.
Chúng tôi muốn hỏi ý kiến của bác sĩ thể lực đội U.23 - cộng sự người Nhật của ông Miura nhưng VFF không cho phép và ông Kubo cũng vô cùng kiệm lời. Tuy nhiên, theo giải thích của bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội: “Có thể nhiều cầu thủ không quen với các bài tập cường độ cao mà HLV Miura đang áp dụng. Mỗi cầu thủ lại có cơ địa, sức chịu đựng khác nhau nên cơ thể có phản ứng không giống nhau với giáo án của HLV trưởng. Chưa kể việc tập luyện ở mỗi CLB cũng khác nhau, tác động trực tiếp đến sự tích lũy và thể lực cầu thủ. Khi lên tuyển lại cùng một chế độ tập luyện cao như nhau thì có thể dẫn đến tình trạng người này vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng người kia bị chấn thương”.
HLV Miura vẫn chưa chính thức lên tiếng về các ca chấn thương của đội U.23 VN, nhưng cách đây chưa lâu ông đã từng bày tỏ quan điểm: “Việc gặp chấn thương trong bóng đá là điều khó tránh khỏi. Một số chấn thương do các cầu thủ quá nỗ lực khi thi đấu nội bộ để chứng tỏ bản thân mình. Vì thế những pha va chạm liên tục xảy ra. Tôi cũng thừa nhận hầu hết những ca chấn thương đều do quá tải nhưng việc bị quá tải trong quá trình tập thể lực không có gì là bất thường cả”.
Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành cho biết: “Chấn thương trong bóng đá là chuyện bình thường. Ngay cả những cầu thủ có nền tảng thể lực sung mãn cũng khó lòng tránh khỏi nguy cơ chấn thương nếu không được tính toán kỹ về cường độ lẫn khối lượng tập luyện. Nhưng vì sao mỗi lần Miura tập trung đội tuyển thì xảy ra hết chấn thương này đến chấn thương khác. Tất cả là do ông Miura lo ngại nền tảng thể lực cầu thủ VN không đáp ứng được triết lý chiến thuật của ông nên bắt buộc phải đẩy cường độ và khối lượng.
Khi đó sẽ xuất hiện 2 vấn đề. Một là một số cầu thủ bị chấn thương tiềm ẩn ở CLB do công tác y tế ở CLB chưa thấu đáo nên khi lên tuyển bị “nhồi” thì dính ngay chấn thương. Hai là các cầu thủ VN do thời gian nghỉ ngơi hồi phục ở CLB không nhiều và chưa có chế độ dinh dưỡng tốt cũng như thường có thói quen tập luyện theo kiểu đối phó ở CLB nên khi buộc phải hoạt động hết công suất ở tuyển thì rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến dính chấn thương. Vấn đề ở đây là các trợ lý cần tư vấn cho ông Miura để điều chỉnh các bài tập cho phù hợp chứ không thể chưa đứng vững đã bắt chạy thậm chí chạy nhanh thì sao được...”. (T.K)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.