Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả còn có: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, tạm đình chỉ hoạt động. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Tuy nhiên, luật Xử phạt vi phạm hành chính chỉ quy định biện pháp cưỡng chế đối với việc thu tiền phạt; cưỡng chế một số biện pháp khắc phục hậu quả... mà chưa quy định về cưỡng chế thi hành biện pháp đình chỉ hoạt động. UBND TP.HCM đã từng kiến nghị Bộ TN-MT bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước cho các cơ sở gây ô nhiễm mà không khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện được.
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, nhận định từ nhiều năm trước, thành phố đã có các chương trình hỗ trợ về lãi suất, vay vốn kích cầu cho các DN thực hiện di dời vào các khu công nghiệp tập trung. Chương trình này cũng có hiệu quả nhưng chủ yếu là các DN lớn thực hiện. Hiện nay vẫn còn tồn tại chủ yếu các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình. Vì vậy thành phố cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ các đối tượng này. Trước tiên là phải có quy hoạch khu vực sản xuất tập trung cho các hoạt động tiểu thủ công nghiệp. Trong đó giá thuê đất, thuê mặt bằng phải ổn định và ưu đãi. Sau đó đến chính sách tín dụng hỗ trợ để các đơn vị đầu tư máy móc mới, công nghệ hiện đại hơn. Cuối cùng mới áp dụng chính sách xử phạt hành chính hoặc thậm chí rút giấy phép kinh doanh nếu các cơ sở chây ì không thực hiện.
Còn theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), việc vẫn còn tồn tại hàng ngàn cơ sở sản xuất trong các khu dân cư ở Hà Nội và TP.HCM sẽ là nguy cơ rất lớn cho môi trường, cho an toàn của người dân. Trong khi đó sản xuất tại các khu công nghiệp tập trung với hệ thống xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm không khí hay an toàn về cháy nổ được đảm bảo hơn. Vì vậy không nên du di và lơ là trong công tác thúc đẩy di dời hoặc chuyển đổi các cơ sở sản xuất này lâu hơn. “Nhiều nước áp dụng biện pháp rút giấy phép hoạt động nếu DN vi phạm về quy định bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm. Đặc biệt là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư thì các nguy hại đó rất lớn nếu có vấn đề xảy ra. Thời gian qua chính quyền địa phương còn chưa cương quyết. Khi chúng ta buộc phải lựa chọn giữa chính sách có thể gây thiệt hại cho một số gia đình vì phải di dời hay chuyển đổi sản xuất với việc có thể gây hại lớn hơn về môi trường, đảm bảo an toàn cho cộng đồng thì sẽ thấy rõ điều gì cần làm, không thể buông lỏng nữa”, TS Lê Anh Tuấn nói.
TS Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn - Sở TN-MT TP.HCM, nhận xét các cơ sở này chủ yếu là hộ gia đình, sử dụng lực lượng lao động không cần trình độ cao nên có ưu điểm là dễ dàng thay đổi và cũng nhanh tiếp nhận được lực lượng lao động ở nơi mới. Tuy nhiên vì đặc điểm đó nên để khuyến khích di dời hết các cơ sở sản xuất đang tồn tại trong dân cư cũng gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế có nhiều cơ sở đã di dời nhưng không đầu tư mới, không kiểm soát lại tiếp tục gây ô nhiễm ở nơi mới như đã xảy ra tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Hiệp Phước… Vì vậy để giải quyết vấn đề này cần áp dụng chính sách kinh tế là chủ yếu.
Bình luận (0)