Chuyện ông Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái đã “để ngoài” mọi bản kê khai hàng chục nghìn mét vuông đất, hàng trăm mét vuông nhà, nhiều chục tỉ đồng tiền và vàng cho thấy những lỗ hổng chết người trong việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ, đảng viên.
Cùng với việc che giấu tài sản khủng của nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa được phát giác trước đó, có vẻ như mọi bản kê khai chỉ “đẹp” khi được xếp lại trong tủ hồ sơ của tổ chức. Và người ta có lý do để nghi ngờ con số trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ rằng, hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản năm 2016 “chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập” (năm 2015 không phát hiện trường hợp vi phạm nào).
Các nước không có luật Phòng chống tham nhũng như ở ta, nhưng họ có luật Kiểm soát tài sản. Ở Mỹ, dân thường (chưa nói đến quan chức) rút 5.000 USD từ tài khoản là nhân viên ngân hàng đã có trách nhiệm báo cho FBI. Từng đồng thu nhập đều được kiểm soát để đảm bảo đó là thu nhập chính đáng, minh bạch.
Còn ở ta, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, quan chức là một chủ trương lớn, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định riêng quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập cũng đã được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai trên diện rộng. Nhưng rõ ràng các bản kê khai tài sản đã không giúp nhiều cho việc kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức.
Mà không kiểm soát được tài sản thì không thể chống được tham nhũng. Bởi lẽ, tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn, và nó chỉ được phát hiện, chứng minh khi có biến động về tài sản.
“Giàu bất thường” là dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ một quan chức tham nhũng, nhưng pháp luật (kể cả pháp luật chống tham nhũng) thì không có thể xử lý được, chỉ căn cứ vào sự bất bình của dân chúng.
Nhưng như vậy không có nghĩa là các quan chức có thể thoải mái xa hoa, miễn là “che mắt” được luật pháp. Bởi vì lãnh đạo không chỉ bị điều chỉnh bởi các quy định pháp lý mà còn bởi đạo lý. Nếu pháp luật không xử lý được một cán bộ che giấu tài sản của mình dưới hình thức giao cho người khác đứng tên thì Đảng cũng không thể bỏ qua chuyện biệt phủ được xây dựng phô trương, kệch cỡm ở một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái. Một khi công bộc của dân không còn che giấu sự giàu có của mình, nhà cửa nguy nga, xe sang, đồng hồ đắt tiền… có nghĩa là họ không còn coi việc gìn giữ uy tín, danh dự của chính họ là cần thiết, nói chi tới việc gìn giữ danh dự, uy tín của Đảng cầm quyền.
Một Đảng chính trị cầm quyền thì không thể dung dưỡng những cán bộ gian dối, đánh mất niềm tin của nhân dân như vậy.
Bình luận (0)