Chúng ta có cầu Long Biên với rất nhiều giá trị. Đầu tiên, nó là một di sản kiến trúc từ đầu thế kỷ 19. Kết cấu vật liệu của cây cầu này hiện trên thế giới chỉ còn 4 công trình tương tự, trong đó có tháp Eiffel.
Cầu Long Biên cũng là một biểu tượng văn hóa. Nó còn thể hiện các thời kỳ phát triển. Trước đây Hà Nội chỉ phát triển ở phía nam sông Hồng, chỉ tới khi có cầu này, Hà Nội mới trở thành thủ phủ kết nối toàn bộ các tỉnh phía bắc.
Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung thủ đô. Trong các lần quy hoạch, Hà Nội đều xem Long Biên là cây cầu cần bảo tồn, bên cạnh mỗi cây cầu mới mang tính biểu tượng mới. Tới 2001, nhận rõ vai trò như vậy, Hà Nội còn bàn với tư vấn từ Pháp, chính phủ ta bàn với chính phủ Pháp thống nhất duy tu bảo dưỡng cầu để đáp ứng yêu cầu mới, mà vẫn giữ vai trò biểu trưng di sản thế giới. Khi đặt ra vấn đề tuyến đường sắt đô thị hồi năm 2008, tư vấn từ Nhật cũng đề ra phương án bảo tồn nguyên gốc, đặt cây cầu khác cách 186 m. Sau này trong quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, cũng khẳng định Hà Nội có thêm cây cầu mới và Long Biên vẫn ở chỗ đó.
Thái độ của cả nước với Hà Nội thể hiện qua luật Thủ đô là phải tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị. Trong đó còn có cả bảo tồn công trình kiến trúc trước năm 1954 đã được cụ thể hóa bằng danh mục. Cầu Long Biên cũng nằm trong danh sách đó.
Các quy hoạch trước đây đã nghiên cứu nhiều về yêu cầu giao thông liên quan đến cầu Long Biên. Thậm chí hội đồng quy hoạch kiến trúc còn nói rõ cây cầu mới xây cần như thế nào. Họ đã từng phản đối việc xây cầu nhái cầu Long Biên. Một cây cầu khác cần hiện đại để tôn vinh cái cổ của cầu Long Biên khi so sánh.
Như thế, có thể thấy cả ba phương án đều không ổn. Nó không có thái độ đúng đắn với di sản. Thứ hai, nó không những không kế thừa mà còn phủ định nghiên cứu trước đó. Nó bỏ qua ý kiến của chuyên gia, thậm chí là chuyên gia hàng đầu.
Những cây cầu trên dòng sông Hồng đều mang ý nghĩa biểu tượng riêng. Long Biên là biểu tượng tài khéo, trí tuệ hào hùng Hà Nội. Cầu Thăng Long là biểu trưng của hợp tác xã hội chủ nghĩa. Cầu Chương Dương là biểu trưng của nội lực dân tộc...
Phá Long Biên là phá đi biểu tượng thời kỳ đầu. Mất Long Biên, chúng ta bỏ mất thời gian Hà Nội chứng tỏ mình là trung tâm đồng bằng sông Hồng, trung tâm cả nước... Nếu phá Long Biên, dù để xây cầu mới, chúng ta sẽ có cầu mới là biểu tượng của phá bỏ di sản.
Và rõ ràng Hà Nội cần công khai minh bạch các thông tin liên quan đến tuyến đường này, liên quan đến cây cầu này để người dân và chuyên gia có thể cùng đóng góp xây dựng.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm
(Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội)
Bình luận (0)