Nhưng lửa nghề và tình yêu Tổ quốc đã cho tôi quyết tâm bởi đây là nơi cần đến một lần trong cuộc đời làm báo của mình. Và tôi cũng nghĩ rằng cứ đi để biết chứ không phải để viết, vì Trường Sa là "mảnh đất" đã được quá nhiều người viết và khai thác dưới nhiều góc độ, rất khó có thể vượt qua.
Thế nhưng, 7 ngày lênh đênh trên Biển Đông với cái nắng gió khốc liệt của Trường Sa, có lúc như bị những cơn sóng bạc đầu hất lên cao rồi lại vùi xuống biển trên những chiếc ca nô chở vào đảo, tôi đã phải vượt qua nhiều thử thách nhưng lại gặp được rất nhiều người luôn yêu đất nước mình. Và đó là những nhân vật rất mới đã được tôi khắc họa trong loạt phóng sự 5 kỳ Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa. Đó là hai cụ già U.70, U.80 vẫn dũng cảm vượt sóng tới Trường Sa với mong muốn khi trở về sẽ kể chuyện Trường Sa bằng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, để không ai không biết về phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc (vì hai cụ từng là giáo viên dạy trẻ khiếm thính)... Đó là một doanh nhân khi ra đảo bỗng trở thành nhạc sĩ, sáng tác những ca khúc về biển đảo lay động lòng người. Đó là nữ thượng tá Hải quân, cả đời chỉ ước ao được đến Trường Sa và đã có nhiều bài thơ viết về những câu chuyện xúc động, khiến chúng tôi rơi nước mắt…
"Tôi sẽ không phải là tôi của ngày hôm qua nữa!". Đó là câu thốt lên của nữ thượng tá, khi mà tình yêu đất nước đã trở nên lớn hơn gấp bội. Khi trở về đất liền với công việc thường ngày, bà sẽ không phải là mình ngày hôm qua nữa mà sẽ làm tốt hơn nữa trong công tác để góp phần dựng xây đất nước… Tôi cũng chứng kiến sự hiểm nguy của người lính nơi tuyến đầu. Thế nhưng, bản lĩnh và sự kiên cường của họ thì mạnh hơn sóng Biển Đông. Trong loạt phóng sự tôi viết, bài nào cũng có nước mắt, nhưng không hề bi lụy mà là những giọt nước mắt tự hào về đất nước và chủ quyền biển đảo vững chắc của Tổ quốc.
Để có loạt bài viết, tôi đã không quản ngại khó khăn gian khổ, vượt qua nhiều thử thách của chuyến đi với rất nhiều cảm xúc. Trải qua những cơn say sóng, tôi tận dụng tối đa mọi thời gian, mọi lúc mọi nơi để thực hiện 21 cuộc phỏng vấn trên hành trình. Có những cuộc trò chuyện gấp gáp trên đảo, có những cuộc tới 2 - 3 tiếng trên tàu, để thấu cảm và lột tả được tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền của người dân đất Việt.
Đặc biệt, điều ấn tượng nhất trong hành trình đến Trường Sa và có lẽ cũng là ấn tượng nhất trong cuộc đời làm báo của mình, là tôi đã được gặp thiếu tá Lê Minh Thủy, người con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988. Khi cha mất, mẹ chị cũng quá đau buồn mà qua đời trong cùng năm. Chị thành trẻ mồ côi khi mới 1 tuổi. Sau 35 năm, chị được ra "thăm cha" giữa Trường Sa và tôi đã được chứng kiến, được tận mắt trải nghiệm những câu chuyện tâm linh đầy xúc động. Trong thâm tâm tôi cũng như rất nhiều người khác đã cảm nhận được rằng, anh linh các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc vẫn trường tồn với thời gian. Linh hồn của họ đã hòa mình vào sóng nước Trường Sa và hóa thành hồn thiêng đất nước.
Hải trình Trường Sa đã giúp tôi thấm thía hơn rằng mỗi tấc đất chúng ta đang có, mỗi giây phút bình yên ta đang thụ hưởng là từ sự hy sinh xương máu của cha ông, của các anh hùng liệt sĩ. Nên khi trở về đất liền, với trách nhiệm người cầm bút, tôi đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết viết về những người tôi đã gặp, những câu chuyện tôi đã được trải nghiệm, để lan tỏa tình yêu đất nước. Đó là hành trình tôi không thể nào quên, một hành trình đẫm mồ hôi, nước mắt nhưng đầy tự hào về Tổ quốc tôi.
Bình luận (0)