*Dự thảo luật Đường bộ mà Bộ GTVT mới trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua quy định xe công nghệ được xếp vào loại hình xe taxi, được quản lý tương tự như đối với xe taxi truyền thống. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất trên?
-TS Hoàng Minh Hiếu: Kinh doanh vận tải qua các nền tảng gọi xe công nghệ là mô hình kinh doanh mới, có những điểm khác biệt so với mô hình xe taxi trước đây. Việc nghiên cứu để có mô hình quản lý phù hợp đối với xe công nghệ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo dự thảo luật Đường bộ mới trình Quốc hội thì xe công nghệ sẽ được xếp vào loại hình xe taxi, được quản lý tương tự như đối với xe taxi truyền thống. Cần phải cân nhắc kỹ đối với sự thay đổi này bởi nếu quản lý xe công nghệ tương tự như quản lý xe taxi sẽ dẫn đến một số lo ngại.
Thứ nhất, mô hình gọi xe công nghệ có những điểm khác về bản chất so với taxi truyền thống. Trong khi mô hình taxi truyền thống có sự tham gia của các bên gồm công ty cung cấp dịch vụ, lái xe và hành khách, thì trong mô hình gọi xe công nghệ có thêm công ty cung cấp nền tảng gọi xe, chỉ tham gia vào một số công đoạn của kinh doanh vận tải hành khách; không sở hữu ô tô vận tải hành khách; không có hợp đồng lao động với các lái xe dịch vụ. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý xe công nghệ tương tự như đối với taxi truyền thống là chưa phù hợp với bản chất của từng loại hình.
Thứ hai, các nền tảng gọi xe công nghệ là một trong những điển hình của kinh tế chia sẻ. Sự tham gia của mô hình này cho phép tận dụng công suất dư thừa trong xã hội, đó chính là năng lực vận tải hành khách có sẵn trong xã hội. Nếu đưa mô hình kinh tế chia sẻ vào chung khung quản lý với mô hình kinh tế truyền thống thì sẽ hạn chế những ưu điểm của kinh tế chia sẻ, không tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, đưa xe công nghệ "về chung nhà" với taxi truyền thống có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Mô hình kinh tế chia sẻ nhấn mạnh vào việc tận dụng công suất dư thừa giúp cho việc tham gia có chi phí thấp. Sự tham gia của các nền tảng gọi xe công nghệ còn giúp cung cấp mức giá cước linh hoạt, phản ánh chính xác quan hệ cung - cầu trên thị trường vào từng thời điểm theo thời gian thực. Do vậy, về tổng thể khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ hơn.
Ngoài ra, với sự thuận lợi của công nghệ, khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về lái xe cũng như chuyến đi của mình, bao gồm cả thông tin về giá cước trước khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ, hạn chế sự bất cân xứng thông tin giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ.
*Như ông vừa chia sẻ, ngay từ khi mới xuất hiện tại Việt Nam, các ứng dụng gọi xe công nghệ đã được xác định là một mô hình mới, khác biệt rất nhiều so với loại hình taxi truyền thống. Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên xe công nghệ bị "nhăm" đưa về chung nhà với loại hình taxi truyền thống. Vì sao lại như vậy?
-Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do chúng ta vẫn chưa có đánh giá, tổng kết để xây dựng được mô hình quản lý phù hợp với loại hình này.
Hiện nay, việc quản lý xe công nghệ được thực hiện theo Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, xe công nghệ được điều chỉnh theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng điện tử. Thực tế triển khai các quy định của Nghị định 10 cho đến nay cho thấy có những điểm phù hợp.
Đơn cử, các công ty nền tảng công nghệ gọi xe được quản lý như một bên tham gia vào một số công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó có việc tham gia quyết định giá cước vận tải; còn việc quản lý các lái xe và phương tiện vận tải sẽ do các hợp tác xã kinh doanh vận tải tham gia thực hiện. Điều này là hợp lý.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện thêm về mô hình quản lý. Chẳng hạn, việc bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy định về xe công nghệ với các quy định của luật Giao dịch điện tử, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoặc xem xét đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng quá trình quản lý taxi công nghệ trong thời gian vừa qua cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa vào dự thảo luật Đường bộ (sửa đổi) cách thức quy định phù hợp đối với mô hình xe công nghệ, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ.
Đặc biệt, cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong cách tiếp cận mới, đó là không xem cách thức quản lý taxi truyền thống là tiêu chuẩn để quản lý xe công nghệ mà ngược lại cần đổi mới chính cách thức quản lý taxi truyền thống cho phù hợp với bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ.
*Cụ thể thế nào, thưa ông?
-Những quy định chặt chẽ đối với taxi truyền thống như phải được cấp phép, phải đeo biển, phải có đồng hồ tính cước… chỉ phù hợp với bối cảnh vào những năm đầu thế kỷ 20 khi khách hàng thường xuyên ở vào tình thế bất đối xứng thông tin. Những giải pháp về công nghệ hiện nay đã giải quyết được các vấn đề này, thậm chí trao quyền cho khách hàng thông qua việc bình chọn dịch vụ của những người cung cấp.
Thực tiễn cũng cho thấy, một số nước trong khu vực đều áp dụng phương thức quản lý song song xe công nghệ và taxi với định hướng nâng cấp, chuyển đổi yếu tố công nghệ vào taxi nhằm thúc đẩy hiệu quả của taxi cùng phát triển song song với xe công nghệ để giải quyết nhu cầu khách hàng, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn ở Singapore, các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ hoạt động theo Giấy phép vận hành dịch vụ gọi xe công nghệ; các công ty taxi phải xin cấp Giấy phép vận hành dịch vụ gọi xe ô tô. Công ty xe công nghệ được phép chủ động xác định các thay đổi về giá, bao gồm cả giá linh hoạt cũng như các thành phần giá và chỉ cần phải thông báo về những thay đổi đối với các thành phần giá như phí hoa hồng, phí hủy đặt chuyến đi, phí chờ đợi, ưu đãi... ít nhất 21 ngày trước khi áp dụng đến Cục Quản lý Giao thông Đường bộ và ít nhất 28 ngày trước khi áp dụng đến Hội đồng Giao thông công cộng.
*"Cuộc chiến" taxi truyền thống - taxi công nghệ dù không còn quá nóng như giai đoạn những năm 2018 - 2019 nhưng vẫn âm ỉ kéo dài suốt nhiều năm qua. Như ông vừa nhận định thì cơ bản vẫn là do chưa thống nhất được mô hình quản lý của loại hình mới. Vậy giải pháp trong thời gian tới là thế nào, thưa ông?
-Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác, việc quản lý mô hình xe công nghệ cũng như các mô hình kinh tế chia sẻ mới đều nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Tôi cho rằng, đến thời điểm này mô hình kinh tế chia sẻ đã tồn tại một khoảng thời gian khá dài nên trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là cần tổng kết, đánh giá và đặc biệt là nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước đi trước để thiết kế nên một mô hình quản lý phù hợp.
Như tôi đã đề cập ở trên, không nên lấy các tiêu chuẩn quản lý của mô hình truyền thống để áp cho các mô hình kinh doanh mới. Cần có những giải pháp để việc quản lý các mô hình kinh doanh mới vừa bảo đảm sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh đối với sự tham gia của các mô hình kinh doanh, vừa bảo đảm sự hài hòa quyền lợi của các bên.
Với Dự thảo luật Giao thông mới này, tôi hy vọng cơ quan quản lý sẽ có những đánh giá, xây dựng những quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động của từng mô hình dịch vụ vận tải riêng biệt một cách hợp lý, nhằm thúc đẩy hơn hiệu quả của taxi cùng phát triển song song với xe công nghệ để giải quyết nhu cầu khách hàng và chất lượng dịch vụ ngày càng tốt, hoàn thiện hơn.
Bình luận (0)