Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993 được coi như bước đầu làm quen với quản lý môi trường. Quá trình triển khai trên thực tế gắn với việc tiếp thu các tiến bộ trên thế giới về bảo vệ môi trường đã giúp cho luật Bảo vệ môi trường thứ hai năm 2005 đề cập được khá toàn diện những công cụ mới về quản lý môi trường.
Công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường (CBM) đã được đề cập mang tính hệ thống.
Trên thực tế, mặc dù pháp luật đã quy định khá kín với đầy đủ các công cụ quản lý nhưng vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn quá nhiều bất cập. Hiện nay, gần 50% số lượng khu công nghiệp chưa lắp đặt hệ thống xử lý chất thải. Khá nhiều nơi lắp đặt rồi nhưng vẫn xả thải trực tiếp vào môi trường. Nhiều trường hợp người dân phát hiện nhưng các cơ quan quản lý lại trễ nải trong tiếp nhận và xử lý. Có thể lấy vụ Công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa chôn lấp thuốc trừ sâu trái pháp luật là một ví dụ điển hình.
Khai thác khoáng sản đang gây hậu quả môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sức khỏe người dân. Dân phát hiện nhưng nhiều cơ quan quản lý giải thích rằng nhà đầu tư làm đúng như ĐTM đã duyệt, người dân cứ yên tâm. Các dự án xây dựng thủy điện làm mất rừng, gây lũ lụt cũng làm dân kêu ca nhiều.
Những bức xúc thực tế này cho thấy vẫn còn điều gì đó chưa ổn về pháp luật hoặc thiếu sót trong thực thi pháp luật. Đây cũng chính là yêu cầu cần đặt ra trong sửa đổi luật Bảo vệ môi trường hiện nay. Công cụ quản lý khá đủ, cơ quan quản lý rất cố gắng, vậy thì điều gì đang còn thiếu?
Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, nguyên tắc này đã được cả thế giới và nước ta tiếp nhận. Sự nghiệp này không chỉ phụ thuộc vào nâng cao nhận thức cộng đồng mà phụ thuộc vào cơ chế trao quyền cho người dân tham gia quản lý và giám sát. Dự thảo luật có quy định về cơ chế tham vấn cộng đồng đối với ĐMC (khoản 8 điều 15) và đối với ĐTM (điều 22) nhưng không quy định rõ tham vấn ai, bằng cách nào và theo quy trình nào. Để tránh thực hiện hình thức, quá trình tham vấn cần có quy định rất cụ thể trong luật. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường (điều 154) cũng chỉ trao cho đại diện của cộng đồng mà không rõ cộng đồng dân cư được hiểu theo khái niệm nào và ai là đại diện. Hơn nữa, quyền của người dân tham gia vào quản lý và quyền giám sát của người dân cũng không được quy định trong dự thảo.
Để nhân dân làm chủ trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, pháp luật cần trao cho người dân quyền tham gia vào quản lý, quyền giám sát độc lập và quy định rõ trách nhiệm, trình tự giải quyết khi cơ quan quản lý nhận được các ý kiến giám sát của người dân. Muốn vậy, thông tin quản lý phải công khai, trách nhiệm cán bộ quản lý phải rõ ràng. Thiếu vắng nội dung này chính là những khoảng trống pháp luật đang tồn tại trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường đang chờ Quốc hội thông qua.
GS Đặng Hùng Võ
>> Phạt 4 doanh nghiệp vi phạm luật bảo vệ môi trường
>> 100% doanh nghiệp bị kiểm tra vi phạm Luật Bảo vệ môi trường
>> Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường
>> Hà Nội: Phát hiện cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường
Bình luận (0)