Đề án 06 ra đời trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, gắn với cải cách thủ tục hành chính, nhằm công khai hóa, minh bạch hóa các chủ trương, chính sách. Hay nói cách khác, nếu được triển khai đồng bộ, minh bạch và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, sẽ giúp ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính, đầu tư cho người dân và doanh nghiệp. Với mục tiêu này, tỉnh Bình Thuận vừa có buổi sơ kết, đánh giá lại quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở TT-TT Bình Thuận, Đề án 06 ngay từ khi bắt đầu triển khai đã được thực hiện một cách nghiêm túc ở các ngành, địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã thu thập, đồng bộ hóa trên 1,4 triệu nhân khẩu thường trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; với trên 1,1 triệu thẻ căn cước được cấp (đạt trên 98,6%). Bên cạnh đó, đã cấp được 394.976 tài khoản định danh điện tử; tiếp nhận và giải quyết 118.691 hồ sơ trên cổng dịch vụ công và số hóa được 384.292 hồ sơ trong CSDLQG.
Những con số trên góp phần quan trọng vào sự thành công của đề án ở địa phương này; tạo điều kiện nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho dân. Tuy nhiên, Đề án 06 triển khai ở Bình Thuận vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần phải có sự đầu tư, tháo gỡ để thực sự hữu ích.
Theo đó, quá trình làm sạch dữ liệu (ở nhiều lĩnh vực) để tích hợp vào CSDLQG chưa chuẩn xác. Trang thiết bị, nguồn nhân lực, nhất là ở cấp cơ sở, vùng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Chế độ thông tin, báo cáo có lúc chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Và điều quan trọng hơn cả, nhận thức của người dân và ngay cả một bộ phận công chức, viên chức về tầm quan trọng của Đề án 06 "còn lơ mơ".
Để đề án này mang lại sự minh bạch thông tin, góp phần ngăn ngừa hành vi tiêu cực và vận hành trơn tru, không chỉ Bình Thuận, mà các địa phương cần tập trung gỡ vướng những thực trạng nêu trên.
Bình luận (0)