Nắm giật tóc, đấm, đá vào mặt vào đầu, kéo lê trong sự cam chịu của nạn nhân trước đám đông... Toàn bộ sự việc được ghi lại trong một đoạn video hơn 1 phút đang lan truyền trên khắp các trang mạng xã hội những ngày gần đây tại Tây Ninh.
Cơ quan Công an TP.Tây Ninh vào cuộc điều tra xác định, vụ việc xảy ra ngày 5.7 tại khu vực công viên Xuân Hồng (TP.Tây Ninh). Trong đó, em N. (16 tuổi, ngụ xã Bàu Năng, H.Dương Minh Châu, Tây Ninh) bị T.N.B.M (ngụ TP.HCM) đánh dã man chỉ vì chuyện N. nhìn M. trong lúc uống cà phê với bạn trước đó. Đến khi đoạn video được tung lên Facebook thì gia đình N. mới phát hiện, đưa đi cấp cứu và trình báo cơ quan công an.
Trước đó, giữa tháng 6.2020, một một nữ sinh Trung tâm hướng nghiệp và GDTX TX.Đông Triều (Quảng Ninh) bị bạn cùng lớp lột đồ và quay clip tung lên Facebook. Đáng nói, nhiều học sinh khác đứng bên ngoài không can ngăn mà còn dùng điện thoại quay clip và tung lên mạng trong sự phản kháng yếu ớt, gào khóc của nạn nhân. Thậm chí, có nam sinh còn gí hẳn điện thoại vào chỗ nhạy cảm của nữ sinh này để quay phim...
Đây chỉ là 2 trong số những vụ bạo lực học đường, xúc phạm nhân phẩm nghiêm trọng bị quay và phát tán clip trên mạng xã hội gần nhất. Thử đặt mình vào vị trí ấy, nhiều người sẽ phải rùng mình, khiếp sợ. Và nỗi sợ hãi ấy sẽ lớn dần hơn nếu thiếu đi sự bảo vệ từ gia đình, bạn bè, thầy cô và pháp luật. Nghiêm trọng hơn, đã từng có việc nạn nhân tự tử. Nếu pháp luật vào cuộc thì hành vi của những học sinh trực tiếp tham gia bạo lực học đường sẽ phải bị nghiêm trị như thế nào cho xứng đáng?
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quyết liệt xử lý theo pháp luật, đuổi học để làm gương. Nhưng cũng có ý kiến rằng, cần cho các em một cơ hội để giáo dục về những sai lầm đầu đời. Tôi cũng băn khoăn: Nếu chỉ xử lý người trực tiếp gây ra nỗi đau cho nạn nhân nhưng không nói đến một đám đông hung hãn kích động kia thì liệu đã đủ răn đe? Và đặc biệt, những người quay phim, trực tiếp đưa lên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
Bình luận (0)