'Không thể 'Zero Covid-19', nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 luôn hiện hữu'

24/11/2021 17:07 GMT+7

Tính đến hết ngày 23.11, cả nước có 1.143.967 ca nhiễm Covid-19 . Trong đó, có 911.310 người đã khỏi bệnh và 24.118 bệnh nhân Covid-19 tử vong. 'Ở 3 giai đoạn trước, chúng ta hướng đến mục tiêu 'Zero Covid', nhưng giai đoạn 4 thì không thể', PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó

Sáng 24.11 báo Tiền phong tổ chức hội thảo “Bảo vệ sức khỏe - thích ứng an toàn với Covid-19”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế, các bệnh viện, hội nghề nghiệp...

Các chuyên gia thảo luận về thích ứng an toàn với Covid-19

DUY TÍNH

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chia sẻ quan điểm về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Giai đoạn 1, từ 22.1.2020 - 5.3.2020 với 16 ca nhiễm bệnh, chủ yếu là ca nhập cảnh; chủng vi rút gây bệnh bình thường

Giai đoạn 2, từ 6.3.2020 - 22.7020 với 399 ca nhiễm bệnh; chủng virus gây bệnh bình thường.

Giai đoạn 3, từ 23.7.2020 - 26.4.2021 với 2.437 ca nhiễm; chủng vi rút gây bệnh chủ yếu là chủng Alpha.

Giai đoạn 4, từ 27,4 đến nay với 1.034.723 ca nhiễm bệnh; chủng vi rút gây bệnh chủ yếu chủng Delta.

“Ở 3 giai đoạn trước, chúng ta hướng đến mục tiêu “Zero Covid”, nhưng giai đoạn 4 thì không thể “Zero Covid”, ông Phu nói.

Về đặc điểm dịch bệnh hiện nay, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố đều ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau, tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau, tỷ lệ tiêm chủng cũng khác nhau. Tỉnh nào có sự giao lưu đi lại nhiều, mật độ dân số cao, khu công nghiệp… thì ca nhiễm nhiều và miễn dịch cộng đồng cao như Bình Dương, TP.HCM…

Từ góc nhìn của giới chuyên môn, ông Phu cho rằng chấp nhận có người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, không thể có “Zero Covid”. Theo ông Phu, trên thế giới, chỉ còn Trung Quốc đặt mục tiêu “Zero Covid” nhưng đang phải cân nhắc lại vì kinh tế tổn hại quá lớn. Xu hướng chung là thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Do đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ phù hợp với xu thế chung “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Có quan điểm cho rằng khi tiêm vắc xin rồi thì không cần kiểm soát ca mắc. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu không kiểm soát ca mắc thì sẽ đến một lúc dịch sẽ bùng lên làm quá tải hệ thống y tế.

Cũng theo ông Phu, bây giờ nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, không ứng đáp thái quá hay không phù hợp, đặc biệt là khi dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4. Khi chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng thì các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, giãn cách… là cần thiết.

Nguy cơ hiện hữu

Tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thêm, mặc dù dịch bệnh đã qua giai đoạn đỉnh cao, nhưng so với tình hình thế giới hiện nay vẫn đang căng thẳng nên nguy cơ trong nước có thể sẽ chưa thể chấm dứt được hoàn toàn dịch bệnh. Hiện số ca mắc mới tăng liên tục qua các ngày, trong đó có 911.310 người đã khỏi bệnh và hiện tại có tới 5.295 bệnh nhân nặng. Nhiệm vụ số 1 trong giai đoạn hiện nay là thực hiện nghiêm khắc các biện pháp 5K, các biện pháp phòng chống dịch.

Hải Phòng bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh

Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia từ Mỹ và được biết nhiều trường hợp tiêm 2 mũi vắc xin vẫn nhiễm dịch bệnh với các biến chủng như Delta, Lambda... Mới đây, Chủ tịch nước đã viết 1 thư tay trao cho Bộ Y tế đặc biệt dặn dò không lơ là chống dịch, thực hiện nghiêm khắc thích ứng linh hoạt, an toàn bảo vệ sức khỏe cho người dân. Các mặt trận phải hết sức cảnh giác. Chúng ta đề ra mục tiêu "sống chung với dịch", nhưng sống chung như nào để an toàn, đảm bảo cho đời sống của người dân là vấn đề cần sự chung tay của cả người dân, của y bác sĩ và của hệ thống chính quyền.

“Tại Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 sẽ bùng phát nếu chúng ta buông lỏng cảnh giác. Bộ Y tế đã cố gắng đưa ra những chiến lược tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho người dân. Mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến là giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất”, ông Khuê nói.

Cần nhìn lại cuộc chiến để thấy điều chưa làm được

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, dù dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát nhưng chúng ta cần nhìn lại những điều chưa làm được và không để điều đó trở thành lối mòn, cần phải xem mình đã làm hết sức chưa. Trong đợt dịch vừa qua, chúng ta có quá nhiều chỉ số, trong khi chỉ số quan trọng nhất là người bệnh được chăm sóc tinh thần, chăm sóc thoải mái trong một môi trường. Lẽ đương nhiên là người bệnh phải được điều trị sớm nhất chứ không phải được đi bệnh viện lớn nhất và cuối cùng là người bệnh được sống.

"Là người làm trong chuyên ngành truyền nhiễm, tôi thấy được lỗ hổng chưa từng có qua đợt dịch vừa qua và sự quá tải của dịch bệnh với người làm truyền nhiễm là hết sức bình thường, nhưng đối với người làm nội khoa, làm chuyên khoa không thấy được. Có những lúc không nghe người bệnh, không biết người bệnh thiếu cái gì, cần cái gì. Do đó, tôi lập ra các trang để hỗ trợ họ. Cũng may là qua nhóm F0 đó, chúng ta tiếp nhận được sự chia sẻ của người bệnh, đó là điều quan trọng hơn nhiều so với những gì bác sĩ nhìn thấy. Bởi vì cuộc chiến này tâm lý diễn ra như nhau, sự cô đơn, bất lực, bơ vơ. Điều quan trọng là sau đợt dịch này, chúng ta có thay đổi hay không trong công tác phòng chống và điều trị Covid-19. Đừng chỉ dựa vào các số liệu mà chỉ cần khuyên người dân thực hiện 5K và vắc xin là quan trọng nhất, bởi hiện nay trong khu điều trị, khu cách ly không thể có được 5K, trong khi đó 5K là số 1. Cần nhìn lại cuộc chiến để thấy được những điều chưa làm được và đừng để nó tiếp tục xảy ra trong thời gian tới", bác sĩ Khanh chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.