Trong các buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM về các khoản thu trong nhà trường, các quận, huyện, trường học chỉ ra thực tế việc thu quỹ phụ huynh trong trường mỗi nơi mỗi khác.
Gánh nặng đổ về cho chi hội các lớp
Chẳng hạn tại Q.1, có 50% số trường học không thu quỹ phụ huynh cấp trường. Trong đó có Trường tiểu học Hòa Bình. Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường này không tổ chức thu quỹ phụ huynh trường. Đối với các hoạt động tài trợ cơ sở vật chất, trường thực hiện theo hình thức 'chìa khóa trao tay', phụ huynh bàn giao hiện vật cho trường.
Tương tự, tại Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn), bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho hay năm học này trường không thực hiện thu quỹ phụ huynh học sinh.
Trước thực tế trên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP, nêu vấn đề việc một số trường không tổ chức thu quỹ phụ huynh trường nhận nhiều ý kiến đồng tình lẫn phản đối bởi không có quỹ, không có nguồn chi cho các hoạt động. Mặt khác, thu quỹ cấp trường hay cấp lớp chỉ là hình thức triển khai. Nếu không thu quỹ trường thì vô tình gánh nặng được đổ về cho chi hội các lớp.
Xem nhanh 12h ngày 23.3: Diễn biến vụ ‘4 tiếp viên hàng không’ | Căng thẳng An Đông Plaza
Các lớp tự thu liệu có ổn?
Tại buổi làm việc với phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn và Trường THCS Tô Ký vào sáng 22.3, ông Bình nhấn mạnh: "Việc các lớp tự thu liệu có đúng không? Bởi thu ở trường hay ở lớp cũng là quỹ phụ huynh, chẳng qua là khác hình thức thôi. Lớp thu thì ai quản lý thu chi, trường có nắm được không? Nếu lớp thu sai trường không chịu trách nhiệm có được không? Thậm chí ở cùng một trường còn có các mức thu quỹ khác nhau giữa các lớp, có thể gây ra phân biệt trong trường, các lớp "chạy đua nhau" cuối cùng phụ huynh học sinh gánh nặng trên vai".
Phụ huynh nói gì về việc đóng quỹ?
Ở góc độ phụ huynh, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Hòa Bình, cho hay hiện nay rất nhiều hoạt động giáo dục trong nhà trường cần có sự hỗ trợ của phụ huynh như quỹ khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, thăm hỏi học sinh...
Bà Kim Huệ cũng cho hay, nhiều trường hợp mạnh thường quân muốn đóng góp hỗ trợ trường nhưng do ngại vướng quy định nên trường không dám nhận. "Lớp con tôi đang học, chi hội lớp tự đứng ra thu 200.000 đồng/học sinh/học kỳ để chi cho các hoạt động như thưởng học sinh đạt thành tích cao trong một hoạt động nào đó, thăm hỏi sức khỏe học sinh, photo tài liệu học tập…", bà Huệ cho hay.
Cũng đề cập đến việc thu quỹ phụ huynh, ông Nguyễn Đức Thắng, cư trú tại chung cư Phú Hoàng Anh (Q.7, TP.HCM) có con học lớp 3 và lớp 6, bày tỏ quan điểm, ủng hộ chủ trường thu quỹ phụ huynh để hỗ trợ cũng như chăm lo cho học sinh. Tuy nhiên nên thực hiện theo cách tự nguyện, tùy tâm và không nên có tâm lý chạy đua nhau ngay trong lớp hay giữa các lớp với nhau. Dù thu theo quy mô trường hay lớp thì các khoản chăm lo cho học sinh thực hiện theo hình thức "liệu cơm gắp mắm" và có diễn giải thu chi rõ ràng, minh bạch để phụ huynh thấy việc đóng góp của mình có ý nghĩa.
Cũng theo ông Cao Thanh Bình, sắp tới, HĐND TP sẽ ban hành nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2023-2024. Vì vậy, Ban Văn hóa xã hội sẽ thực hiện khảo sát và đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thu dịch vụ giáo dục ở từng khu vực. Đây là căn cứ quan trọng để TP.HCM ban hành quy định phù hợp thực tế dạy và học của thành phố.
Bình luận (0)