Vận động tài trợ có phải là quỹ trường, quỹ lớp?
Thời gian vừa qua, các trường học tại TP.HCM đã tổ chức họp phụ huynh học sinh và thông báo các khoản thu trong năm học. Trong đó có khoản tiền vận động tài trợ được phụ huynh học sinh quan tâm và cho rằng có phải là tên gọi của khoản đóng góp quỹ trường trước đây?
Phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) cho biết giáo viên chủ nhiệm thông báo về kế hoạch vận động tài trợ năm học 2024-2025 của nhà trường. Theo đó, tùy phụ huynh đóng góp nhằm để trang bị máy lạnh, hỗ trợ kinh phí chăm lo học sinh nghèo, hỗ trợ các hoạt động phong trào, học sinh nghiên cứu khoa học…
Phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, (Q.7) phản ánh đã đóng 300.000 đồng cho khoản tiền vận động tài trợ của trường và 300.000 đồng cho quỹ lớp. Từ những phản ánh này, các phụ huynh học sinh cho rằng tiền vận động tài trợ mà nhà trường thu thật chất cũng là tiền quỹ trường.
Trả lời với báo chí, lãnh đạo những trường THPT trên cho rằng, nhà trường có vận động tài trợ nhưng theo Thông tư 16 và có xây dựng dự toán, kế hoạch để Sở GD-ĐT TP.HCM phê duyệt chứ không phải tự ý thu quỹ trường hay quỹ lớp.
Chẳng hạn lãnh đạo Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7) cho hay, trường này có kế hoạch vận động tài trợ với tổng số tiền khoảng 428 triệu đồng cho các nội dung trang thiết bị, sửa chữa nhỏ, hỗ trợ các hoạt động văn thể mỹ, phong trào, hội trại, hỗ trợ học tập cho học sinh...
Nhà trường không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu
Trước những phản ánh của phụ huynh học sinh, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT TP.HCM, rằng phải chăng tiền vận động tài trợ là tiền quỹ trường?
Ông Trần Khắc Huy khẳng định trong nhà trường không có khái niệm quỹ trường, quỹ lớp.
Ông Huy nêu thực tế, hiệu trưởng nhà trường rất dễ lẫn lộn Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục và Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, dẫn đến việc phụ huynh phản ánh lạm thu.
Cô giáo xin hỗ trợ laptop: ‘Tôi biết mình sai vì chưa hiểu rõ thông tư về xã hội hóa giáo dục’
Theo đó, ông Huy đề nghị nhà trường nghiên cứu kỹ 2 thông tư trên. Tuyệt đối không lợi dụng điều lệ trong Thông tư 55 để vận động tài trợ. Ban đại diện phụ huynh vận động kinh phí là để có kinh phí hoạt động phục vụ chính học sinh chứ không phải có kinh phí hoạt động cho trường. Nhà trường không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu.
Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, hiệu trưởng cần áp dụng theo Thông tư 16 vận động tài trợ, có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Việc vận động chỉ để phục vụ sửa chữa nhỏ và các hoạt động giáo dục thiết thực cho học sinh. Kế hoạch vận động phải được Sở GD-ĐT phê duyệt trước khi nhà trường tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch vận động thì nhà trường phải có mục tiêu rõ ràng, không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan.
Đồng thời ông Trần Khắc Huy nhắc nhở các trường không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan, gây ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh và nhà trường.
Thông tư 55 ban hành ngày 22.11.2021 của Bộ GD-ĐT quy định kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Thông tư 16 ban hành ngày 3.8.2018 của Bộ GD-ĐT quy định về vận động và tiếp nhận tài trợ của các trường công lập để thực hiện các nội dung sau:
Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Để thực hiện việc tài trợ, nhà trường nếu có nhu cầu thì hiệu trưởng phải lập kế hoạch rõ ràng, gồm chi cho hoạt động gì, kinh phí ra sao, vận động thế nào.
Sau đó, lãnh đạo trường tiểu học, THCS phải trình lên phòng GD-ĐT; còn lãnh đạo trường THPT phải trình lên Sở GD-ĐT để được xem xét, phê duyệt. Sau khi được cơ quan quản lý giáo dục chấp thuận, kế hoạch vận động tài trợ phải được niêm yết công khai tại trường học.
Ngoài việc vận động kinh phí của cha mẹ học sinh, các nhà trường phổ thông có thể vận động thêm các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhà trường phải có tổ tiếp nhận tài trợ, không được quy định mức đóng góp bao nhiêu và việc đóng góp là hoàn toàn tự nguyện.
Bình luận (0)