Ngày 30.9, trong quá trình hướng dẫn các trường thực hiện chương trình hướng nghiệp, tư vấn du học, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường thực hiện nghiêm chỉnh chương trình hướng nghiệp từ lớp 9 đến lớp 12. Nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của nhà trường, tối thiểu là 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa).
Ngoài ra, tùy vào điều kiện của đơn vị, nhà trường cần tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm, tránh các hình thức tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh. Các cơ sở giáo dục không thực hiện các hoạt động tư vấn du học trong trường học dưới mọi hình thức.
Các trường THPT thiết kế xây dựng chương trình tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THCS thuộc địa bàn quận huyện của trường. Các phòng giáo dục và trường THCS phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề, THPT, trung tâm GDTX và doanh nghiệp địa phương tổ chức các buổi hướng nghiệp phân luồng học sinh.
Các trường THPT, THCS chỉ đạo và tạo điều kiện bộ môn sinh - giáo dục Công dân phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức và nội dung các hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, luật hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, thời lượng tối thiểu 180 phút/khối. Không tổ chức hoạt động với hình thức sinh hoạt dưới cờ và phải xây dựng nội dung theo từng khối lớp, bố trí tiết dạy theo thời khóa biểu.
Theo văn bản triển khai do Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu ký và ban hành có lưu ý các trường tiếp tục thực hiện giáo dục kỹ năng sống trong tiết sinh hoạt lớp. Trong hoạt động buổi 2 hoặc chương trình giáo dục có tổ chức hoạt động dạy học kỹ năng sống cho học sinh phải đảm bảo tất cả chương trình giảng dạy kỹ năng sống (được tổ chức thành tiết dạy cho học sinh) được thẩm định và cho phép của Sở về thực hiện giảng dạy kỹ năng sống trong trường phổ thông và được xây dựng thành chương trình nhà trường trong kế hoạch giáo dục năm học.
Cũng trong hướng dẫn thực hiện các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn du học, Sở yêu các trường tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường THPT. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh THPT. Vận động khuyến khích học sinh tham gia các hội thi khởi nghiệp.
Bình luận (0)