Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội có nguy cơ bị ngừng từ 4.7?

30/06/2020 14:58 GMT+7

Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC thuộc Tập đoàn Viettel) vừa tiếp tục có công văn cho biết, từ ngày 4.7 sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho UBND TP.Hà Nội để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Viettel IDC nêu rõ, trong 4 năm qua, Tập đoàn Viettel và Viettel IDC đã rất nỗ lực duy trì dịch vụ, và từ đầu năm 2020 đến nay đã nhiều lần trì hoãn kế hoạch ngừng cung cấp dịch vụ để UBND TP.Hà Nội có thời gian triển khai các phương án giải quyết tồn đọng, phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, sau nhiều lần thúc giục thanh toán công nợ, UBND TP.Hà Nội cũng đã cam kết sẽ hoàn tất thủ tục đấu thầu để thanh toán công nợ cho Viettel IDC trước ngày 30.6.2020 tại Công văn số 1711/UBND-KGVX ngày 8.5.
Tuy nhiên, cuộc họp chiều qua, 29.6, giữa Viettel IDC và lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội không có tiến triển trong thủ tục đấu thầu. Dù đã đến hạn thanh toán 30.6, song phía Hà Nội chưa đưa ra bất kỳ kết quả nào về việc thực hiện thủ tục thanh toán công nợ.
Viettel IDC cho biết sẽ buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ cho UBND TP.Hà Nội từ 0 giờ ngày 4.7. Dịch vụ sẽ được cung cấp trở lại khi Viettel IDC nhận được thanh toán công nợ đang tồn đọng.
Trong thời gian từ 30.6 đến hết ngày 3.7, công ty này cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi ngừng dịch vụ. Sau ngày 3.7, đơn vị này sẽ không chịu trách nhiệm về dữ liệu của thành phố tại Trung tâm dữ liệu Hòa Lạc khi ngừng dịch vụ.
Được biết, Viettel IDC hiện cung cấp hệ thống máy chủ cho toàn bộ dịch vụ công trực tuyến với toàn bộ hệ thống quản lý giáo dục, y tế cũng như dịch vụ công các cấp, ngành cho UBND TP.Hà Nội.
Đại diện Viettel IDC cho biết, đơn vị này cung cấp Trung tâm dữ liệu chính cho TP.Hà Nội (data center - đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc) để triển khai các dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế trực tuyến cho thành phố.
Theo hợp đồng ban đầu, Viettel IDC sẽ triển khai 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 8.2016 đến nay, tuy nhiên, Hà Nội mới thanh toán chi phí đến hết năm 2018, và từ đầu năm 2019 đến nay vẫn chưa thanh toán các chi phí thuê.
Giai đoạn 2 bắt đầu triển khai từ tháng 10.2017, nhưng Viettel IDC cũng chưa được thanh toán.
Tính tổng 2 giai đoạn, chi phí nợ cước từ tháng 4.2018 của Hà Nội với Viettel IDC đến nay đã lên tới hơn 200 tỉ đồng. Đại diện IDC cũng cho biết đã có hơn hàng chục cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo sở ngành và Tập đoàn Viettel cùng hàng chục văn bản trao đổi giữa 2 bên. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng nhiều lần cam kết sẽ yêu cầu Sở TT-TT và các bên liên quan hoàn tất thủ tục trong 1 tháng để thanh toán.
Tuy nhiên, đến nay thủ tục vẫn chưa được hoàn tất, dù phía doanh nghiệp Viettel đã liên tục có cảnh báo về việc sẽ ngừng cung cấp dịch vụ.
“Chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc cắt dịch vụ nếu không được thanh toán. Các khoản nợ này rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, dù đề nghị Hà Nội tạm ứng để tiếp tục hoạt động nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thanh toán cũng như chưa hoàn tất được thủ tục”, đại diện Viettel IDC cho hay.
Trao đổi với Thanh Niên liên quan đến việc Viettel IDC sẽ ngừng cung cấp dịch vụ từ 4.7 cho Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, cho biết đang yêu cầu kiểm tra. Lãnh đạo Sở này cũng cho hay dịch vụ công trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng, nhưng chi tiết sẽ thông tin sau.
Đáng chú ý, theo Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội hiện có 1.986 thủ tục hành chính trực tuyến từ phường xã, quận huyện đến sở ngành. Trong trường hợp bị ngừng cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội, đặc biệt trong thời điểm sắp diễn ra tuyển sinh đầu cấp hệ thống mầm non, lớp 1, lớp 6. Hiện, Hà Nội đang áp dụng việc nhập danh sách tuyển sinh trên hệ thống điện tử và đăng ký trực tuyến trên cổng thông tin.
Sở TT-TT Hà Nội hiện đang khuyết vị trí Giám đốc Sở. Ngày 18.6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã điều động ông Nguyễn Ngọc Kỳ (được bổ nhiệm năm 2018) từ vị trí Giám đốc Sở TT-TT sang vị trí Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội.
Sở TT-TT cũng đang đối diện vụ việc điều tra liên quan đến Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường được chỉ định thầu nhiều gói mua sắm máy tính bảng và bút cảm ứng để cài đặt hệ điều hành của TP.Hà Nội của Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội.
Ngoài ra, Nhật Cường software, công ty con của Nhật Cường cũng đã trúng thầu nhiều dự án lớn liên quan đến xây dựng dịch vụ công cho TP.Hà Nội như các gói thầu triển khai hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khoẻ toàn dân; xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến…
Tháng 5.2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, và nhiều đồng phạm để điều tra về hành vi buôn lậu; rửa tiền; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; và vi phạm quy định về đấu thầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.