Không từ bỏ ước mơ

14/11/2021 07:00 GMT+7

Ước mơ lớn và sự nỗ lực bền bỉ, dù gặp phải chướng ngại vật như thế nào cũng không lùi bước giúp mỗi người trẻ chiến thắng chính mình, chạm tới thành công.

Câu chuyện của Điểu Vượt chiến thắng ở cuộc thi của Liên Hiệp Quốc là một minh chứng cho điều đó.

Điểu Vượt trong một lần nói chuyện với các bạn trẻ tại một trung tâm dạy nghề ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp trong thời gian TP.HCM chưa giãn cách)

Không đến trường thì chỉ có đi làm thuê hoặc chăn bò

Điểu Vượt sẽ nhớ mãi khoảnh khắc được vinh danh “Người diễn thuyết được yêu thích nhất” trong cuộc thi được tổ chức bởi Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và Học viện Ngân hàng.

Nói ngọng, diễn đạt sai chính tả, nói chuyện bình thường với ai đó còn toát mồ hôi, chàng trai 23 tuổi người dân tộc M’nông, sinh viên Trường ĐH Bình Dương đã không ngừng nỗ lực để có được ngày hôm nay.

Sinh ra và lớn lên ở bản làng vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Nông (bon Bu Ndrong A, xã Quảng Tân, H.Tuy Đức), gia cảnh khốn khó, nhiều lần Điểu Vượt nghĩ “hay mình bỏ học luôn cho rồi”.

Ba mẹ Vượt già yếu hơn 70 tuổi, trong nhà còn 3 bác già trạc tuổi ba mẹ, không lập gia đình, cả nhà quanh năm làm nương rẫy nên kinh tế càng lúc càng khó khăn. Chị gái Vượt lấy chồng sớm nhưng người chồng chỉ biết ăn nhậu, nợ nần. Ám ảnh nhất với Vượt là những ngày tết, trong nhà luôn tấp nập người tới... đòi nợ.

“Năm lớp 8 tôi định bỏ học hẳn. Nhưng mà không đến trường thì chỉ có đi làm thuê hoặc đi chăn bò, vậy thì khổ hơn. Chỉ có học mới giúp gia đình tôi thoát khỏi cảnh nợ nần, túng thiếu và cho chúng tôi có một cuộc sống thật sự bình yên”, Vượt hồi tưởng.

Điểu Vượt bên rẫy cà phê nhà mình

NVCC

Từ nói ngọng trở thành người diễn thuyết

Cha mẹ muốn Vượt làm giáo viên hoặc bác sĩ, nhưng anh biết khả năng của mình ở đâu. Trúng tuyển ngành xã hội học Trường ĐH Bình Dương, Vượt được ở trong Mái ấm dân tộc Lái Thiêu dành cho sinh viên dân tộc thiểu số và được các nhà hảo tâm, nhà trường hỗ trợ tiền học phí. Nhờ đó, anh đỡ khó khăn về vật chất phần nào. Nhưng ở môi trường ĐH, những trở ngại giao tiếp, diễn đạt khiến Vượt nhiều lần muốn bỏ ngang việc học vì mặc cảm với bè bạn. Sau mỗi lần đó, anh đều nghĩ về bữa cơm bên bếp lửa hôm nào.

Tôi muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho các em nhỏ ở quê mình đừng bao giờ từ bỏ việc học và đừng bao giờ ngừng mơ ước. Dẫu cho các em là ai, xuất phát từ đâu thì hãy luôn tin rằng, có giấc mơ, có kiên trì sẽ có thành công.

Điểu Vượt, Trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp Tây nguyên Skills, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông

“Nói chuyện, thuyết trình trong các môn học là nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi. Tôi nói ấp úng, sai chính tả, dấu ngã, hỏi lung tung, có khi nói xong mà người nghe không ai hiểu được. Lần nào tôi cũng run, toát mồ hôi. Có lúc tôi từng ước đừng có ai bắt chuyện với mình và thầy cô đừng ai gọi mình trả bài, thuyết trình để không bị “quê”. Năm thứ 2 học ĐH, tôi quyết tâm thay đổi”, Vượt nhớ lại.

Chàng trai người M’nông chấp nhận đối mặt với khuyết điểm của mình, lập kế hoạch để giao tiếp, thuyết trình trước thầy cô, bạn bè. Anh tìm mọi cơ hội để được bắt chuyện, trình bày trước đám đông. Song chỉ tự tin thôi thì chưa đủ. “Tôi vẫn nghe được các bạn nói về mình: nói thì tệ, nghe không ra gì sao tự tin thế. Hay khi thấy tôi xung phong thuyết trình, các bạn nhao nhao lên: bớt ảo tưởng đi. Cảm giác rất thất vọng đó thôi thúc tôi phải học nhiều hơn”, Vượt kể.

Anh đọc nhiều sách hơn, tham gia các khóa học phát triển kỹ năng, từ sợ giao tiếp, anh yêu thích hơn công việc được kết nối với mọi người.

Năm thứ 3 học ĐH, anh gặp gỡ các nhóm, câu lạc bộ sinh viên, tìm cơ hội để được chia sẻ, được thuyết trình với niềm đam mê của mình. Những ngày đầu, người lắng nghe Vượt nói chỉ khoảng 10 bạn thân quen, sau đó anh được biết đến nhiều hơn, được đứng trên các sân khấu nhiều hơn, nhận được sự khen ngợi lớn hơn.

Thầy Nguyễn Tất Thành, giảng viên Trường ĐH Bình Dương (chủ nhiệm lớp của Điểu Vượt), cho biết đã chứng kiến sự nỗ lực vượt bậc của chàng sinh viên người dân tộc M’nông. Điểu Vượt không ngừng cố gắng, chủ động xin được phát biểu, thuyết trình để nói tốt hơn. Kỹ năng nắm bắt, thu thập thông tin, xử lý thông tin của Vượt khi đi thực tế tại địa phương để làm luận văn cũng khiến các thầy cô rất ấn tượng. “Khi Vượt đoạt giải người thuyết trình được yêu thích nhất tại cuộc thi của Liên Hiệp Quốc, nhiều người đã bất ngờ hoặc nghi ngờ là hay em ấy được ưu tiên, còn tôi, tôi khẳng định Vượt hoàn toàn xứng đáng và đó là thành quả sau nhiều năm bạn ấy đã không ngừng cố gắng”, thầy Thành nói.

Từ năm 2019 đến nay, anh đã tham gia và tổ chức hàng trăm buổi chia sẻ về các chủ đề hướng nghiệp, phát triển bản thân, chia sẻ kỹ năng thuyết trình cho học sinh, sinh viên ở Bình Dương, Đắk Nông.

Tháng 7.2020, chàng sinh viên Tây nguyên đoạt giải “Người diễn thuyết được yêu thích nhất” tại cuộc thi diễn thuyết toàn quốc “Thế hệ bình đẳng - Tương lai tôi muốn” do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp cùng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Ngân hàng tổ chức. Bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời anh khiến thầy cô, bè bạn đều ngưỡng mộ.

Tốt nghiệp ĐH, Vượt hiện làm việc tại Trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp Tây nguyên Skills, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông. Anh vẫn kiên trì tự học tiếng Anh để mở rộng thêm các cơ hội cho mình.

Vượt tâm sự: “Trong tương lai, tôi mong muốn có nhiều cơ hội hơn được đến với các trường học để có thể nói chuyện nhiều hơn với các bạn trẻ về việc đừng từ bỏ khi gặp khó khăn. Tôi muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho các em nhỏ ở quê mình đừng bao giờ từ bỏ việc học và đừng bao giờ ngừng mơ ước. Dẫu cho các em là ai, xuất phát từ đâu thì hãy luôn tin rằng, có giấc mơ, có kiên trì sẽ có thành công”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.