Tờ Asahi Shimbun ngày 13.5 đưa tin ông Hiroo Nakamoto vừa quyên góp cho Đại học Kyushu (Nhật Bản) 516 triệu yen (107,4 tỉ đồng) nhằm hỗ trợ học bổng cho những học sinh muốn đi du học.
Đây chính là ngôi trường mà ông Nakamoto từng mơ ước khi còn trẻ nhưng phải đau lòng từ bỏ vì gia đình quá nghèo. Ông kể rằng giấc mơ đại học được nhen nhóm từ một giáo viên tại trường trung học Kokura Nishi, một người từng tốt nghiệp Đại học Kyushu danh giá.
Giáo viên này tin rằng Nakamoto học giỏi và đủ sức vào trường . Tuy nhiên, ông đã không được học vì nhà nghèo. “Giáo viên đã ghé nhà 5 lần để thuyết phục nhưng cha tôi không đồng ý”, ông kể.
Tuy nhiên, Nakamoto vẫn chưa từ bỏ lòng ham học và nhờ tự học, ông đã đăng ký được bằng sáng chế về công nghệ copy tĩnh điện vào năm 1972.
Triết lý của ông là ai cũng có thể vững bước trên đường đời nếu sự ham học và đam mê khiến họ trở nên kiên trì. Sự nghiệp của ông khởi sắc sau khi thành lập một công ty in tại thành phố Fukuoka vào năm 1987.
Nakamoto giờ đã có con cháu nhưng ông cho rằng chúng không bao giờ tự đứng vững trên đôi chân mình nếu ông để lại tài sản thừa kế lớn.
Ý tưởng quyên góp cho Đại học Kyushu không chỉ bắt nguồn từ thầy giáo hồi trung học mà còn từ một bác sĩ chăm sóc cho ông khi bị đột quỵ cách đây 22 năm. Vị bác sĩ này cũng từng học đại học Kyushu.
Vợ ông là bà Toshie (74) tuổi cũng không có gì băn khoăn về quyết định của chồng.
“Thay vì qua đời và để lại tài sản cho gia đình, số tiền này sẽ có giá trị hơn nhiều nếu được trao cho người trẻ. Nếu điều đó dẫn đến những khám phá và phát minh mới giúp đất nước phồn thịnh hơn thì thật tuyệt vời. Khi qua đời, tôi muốn mình không đứng tên sở hữu bất cứ thứ gì”, bà Toshie nói.
Đại học Kyushu cho biết đây là số tiền quyên góp lớn nhất mà trường từng nhận. Bộ Giáo dục cũng cho rằng tấm lòng hào phóng như từ nhà hảo tâm này là điều cực kỳ hiếm thấy.
Trường sẽ thành lập học bổng mang tên Nakamoto trong vòng 20 năm tới nhằm hỗ trợ 35 sinh viên du học hoặc nghiên cứu, bên cạnh 30 học bổng hằng năm.
Bình luận (0)