Không xem World Cup, chắc không chết...

08/04/2014 14:10 GMT+7

(TNO) Nếu có làm thống kê thăm dò xem có bao nhiêu người sẵn sàng thức trắng đêm để xem trực tiếp World Cup, tôi tin chắc số đông sẽ là không. Thời buổi này, sẩy một cái mất việc là chết như chơi.

(TNO) Nếu có làm thống kê thăm dò xem có bao nhiêu người sẵn sàng thức trắng đêm để xem trực tiếp World Cup, tôi tin chắc số đông sẽ là không. Thời buổi này, sẩy một cái mất việc là chết như chơi.

 
Bóng đá có sức thu hút rất lớn - Ảnh: Reuters

Tình yêu bóng đá của người Việt chắc không phải bàn cãi. Nhìn các sân bóng mini cỏ nhân tạo là rõ, nhiều nơi phải từ chối khách vì kín lịch vì đông quá.

Nhưng giữa mê bóng đá, chơi bóng đá đến sẵn sàng trả giá bao nhiêu để thức đêm xem bóng đá lại là chuyện khác.

Cũng là người đá bóng phong trào, tôi biết rất nhiều người 1 tuần đi đá bóng 2-3 buổi. Nhưng cũng người đó, họ thà chọn quán nhậu vỉa hè rẻ tiền hơn là phải vào nhà hàng đắt tiền hơn có chiếu bóng đá.

Điều khiến họ quan tâm nhất lúc này là những thứ gắn liền ‘khúc ruột' hơn là tình yêu mơ mộng nào đó. Nếu bảo để thoả mãn tình yêu bóng đá xem World Cup mà đối mặt nguy cơ mất việc, tôi tin rằng đại đa số sẽ có câu trả lời.

Thời buổi khó khăn như bây giờ kiếm đuợc một công việc không dễ, ới một tiếng người xếp hàng xin việc dài cả kilomet.

Đọc báo, thấy giá bản quyền truyền hình World Cup 2014 chỗ nói 10 triệu, người nói 12, thậm chí 14 triệu USD. Nhẩm ra, để được xem World Cup Việt Nam phải chi hơn 200, gần 300 tỉ đồng, một con số rất lớn với cả nền kinh tế quốc gia chứ không riêng một đài truyền hình.

Hỏi những công nhân ở các khu công nghiệp nhiều người phải đi chợ trễ để mua "mót" rau củ dập, hay thịt cá cũ cho đỡ tốn tiền xem việc mỗi tháng thêm hoặc bớt 100 ngàn đồng nó có ý nghĩa ra sao.

Hỏi những em học sinh ở vùng núi ngày ngày phải mạo hiểm đu dây, đánh cược sinh mạng bằng cách chui vào bao ni lông nhờ người bơi đưa qua sông đi học xem họ nói một cây cầu nhỏ vài chục đến vài trăm triệu nó có ý nghĩa như thế nào.

Hay như vừa rồi báo Thanh Niên có đăng, hỏi những em sinh viên hay lao động nghèo, họ phản ứng thế nào trước cuộc chạy đua độc quyền giữa các nhà đài truyền hình trả tiền, nhu cầu phải coi bóng đá trên TV thực tế là sao.

Chi 300 tỉ đồng cho 1 tháng World Cup, tức 10 tỉ đồng một ngày, trong thời buổi kinh tế khó khăn như lúc này là con số quá bất hợp lý.

Nếu các sếp VTV có thể vỗ ngực bán được quảng cáo thì mừng vì năng lực họ thật giỏi. Cả nước sẽ rất vui vì ai cũng có thể xem được World Cup cả.

Nhưng nếu không đảm bảo được, thà không mua. Còn nếu đã biết là thu không bù chi mà vẫn cố lao theo thì cần cân nhắc lại. Phải đặt câu hỏi vì sao, thực sự vì cái chung hay chỉ là lợi ích một vài người nào đó?

World Cup là giải đấu lớn 4 năm mới có một lần, từ lâu đã là món ăn tinh thần của người dân. Nhưng nó cũng chỉ là món ăn giải trí, đừng nghĩ là không có là không được.

VTV là đài quốc gia, có trách nhiệm với cả nước rất nhiều vấn đề lớn khác nữa, chứ không chỉ là bóng đá. Với 300 tỉ đồng, nếu đầu tư cho thiết bị, chương trình đi sâu đi sát phản ánh cuộc sống, nguyện vọng của người dân có thể giúp ích bao nhiêu.

Có nhất thiết phải bằng mọi giá “đu đeo”, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng trong 1 tháng, tức cả chục tỉ đồng mỗi ngày, chỉ để chiếu vài trận bóng của những quốc gia xa xôi nào đấy mà đa phần người dân sẽ không dám xem vì trùng giờ đi ngủ?

Thay vì chạy đua theo giải đấu cách những nửa vòng trái đất, chi bằng chừng ấy tiền giúp cho người dân biết trường nào bạo hành học sinh, chỗ nào bán hàng gian lận, độc hại, chỗ nào ăn chặn tiền xăng, vì sao giá sữa vẫn cao vút… hẳn bà con sẽ cảm kích đài quốc gia hơn nhiều.

>> Choáng với giá thực của bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam
>> Vật lộn với bản quyền truyền hình World Cup 2014
>> Người hâm mộ Việt Nam có nguy cơ... đói World Cup 2014

Thanh Bình
(P.25, Q.Bình Thạnh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.