Không xóa nội dung khủng bố trong 1 giờ bị phạt nặng ở EU

10/04/2019 08:54 GMT+7

Các hãng mạng xã hội có thể đối mặt với án phạt nặng nếu không xóa được nội dung khủng bố trong vòng 1 giờ.

Theo CNBC, đây là nội dung luật mới mà Ủy ban Tự do Dân sự thuộc Nghị viện châu Âu (EC) thông qua hôm 9.4. Hiện luật này đang chờ được phê duyệt trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện vào tuần tới. Nếu được phê duyệt, luật sẽ đến với vòng duyệt cuối cùng của giới lãnh đạo EU.
Theo luật mới, các hãng internet lưu trữ nội dung do người dùng tải lên, chẳng hạn như Facebook hay YouTube, và có cung cấp dịch vụ tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ có một giờ để xóa nội dung khủng bố ra khỏi trang web của họ nếu được “cơ quan có thẩm quyền quốc gia” cảnh báo. Dù vậy, hãng internet không có nghĩa vụ pháp lý để tiếp tục theo dõi nền tảng của mình nhằm xóa nội dung cực đoan.
Nếu liên tiếp không tuân thủ luật và không xóa được nội dung khủng bố trong 1 giờ kể từ khi nhận cảnh báo, giới công nghệ sẽ bị phạt đến 4% doanh thu toàn cầu. Các hãng bị giới chức cảnh báo quá nhiều lần về việc xóa nội dung tiêu cực sẽ bị yêu cầu thực hiện những biện pháp kế tiếp, chẳng hạn như báo cáo thường xuyên bởi chính quyền hoặc tăng số lượng nhân viên.
[VIDEO] Lãnh đạo mạng xã hội buông lỏng nội dung bạo lực có thể bị Úc phạt tù
Giới lập pháp cũng đồng thuận rằng các biện pháp bổ sung phải lưu ý đến khả năng tài chính của doanh nghiệp cùng quyền tự do nhận và truyền đạt thông tin trong xã hội cởi mở, dân chủ. Các nền tảng mạng xã hội và nội dung internet nhỏ hơn sẽ nhận được lợi thế nhỏ, khi có đến 12 giờ để xóa nội dung sau yêu cầu xóa lần đầu tiên.
Luật này cho hay nội dung ở đây có thể là văn bản, hình ảnh, âm thanh hoặc video được thu lại. Nội dung tiêu cực là nội dung kích động, xúi giục khủng bố, cung cấp hướng dẫn thực hiện hành vi tội ác hoặc mời chào tham gia vào hoạt động của các nhóm khủng bố. Nội dung hướng dẫn sử dụng và chế tạo vũ khí, chất nổ, súng cho mục đích khủng bố cũng bị cấm. Tuy nhiên, luật sẽ loại trừ các nội dung được chia sẻ vì mục đích giáo dục, báo chí hoặc nghiên cứu.
Các hãng công nghệ lớn thời gian qua bị tăng cường giám sát, nhất là sau khi video về vụ xả súng ở nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand lan truyền mạnh trên internet. Ngoài EU, Anh và Úc cũng có nhiều thay đổi quy định để phạt nặng doanh nghiệp hoặc phạt tù giám đốc doanh nghiệp nếu không kiểm soát được nội dung khủng bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.