Không xử lý được trách nhiệm vụ đưa người trốn đi Hàn Quốc bằng chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội

24/04/2021 16:39 GMT+7

Các cơ quan tố tụng cho rằng việc để nhiều người "đội lốt" doanh nhân tháp tùng Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn , có một số sơ hở từ ban tổ chức nhưng không có cá nhân, tổ chức nào vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vụ án tổ chức, môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài theo diện tháp tùng Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc năm 2018, các cơ quan tố tụng cho biết, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 8 bị can về các hành vi “tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài” và “môi giới cho người người khác trốn đi nước ngoài”, đã xem xét trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cụ thể, ông Trần Văn Khang, Giám đốc Công ty An Trí, đã giúp bị can Trần Thị Tuyết, nguyên cán bộ thuộc Bộ KH-ĐT,  đưa người bên ngoài vào làm nhân viên của Công ty An Trí, ký đóng dấu thủ tục cho người này tham gia vào đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, ông Khang thực hiện hành vi này là do nể nang Tuyết, không được hưởng lợi, cùng với việc khai báo thành khẩn, nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chỉ đề xuất xử lý về hành chính.
Tương tự, ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Cúc, đã giúp bị can Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty GVA, đưa người bên ngoài vào làm nhân viên của công ty, tham gia xác nhận để người này tham gia cùng đoàn doanh nghiệp sang Hàn Quốc. Ông Hưng không biết động cơ mục đích của bị can Liễu nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm.
Trong vụ án này, ngoài những người do các bị can Liễu, Tuyết và đồng phạm tổ chức, môi giới trốn đi Hàn Quốc còn có một số người khác tham gia vào đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc nhưng đến nay chưa về Việt Nam nên chưa có căn cứ để xử lý.
Theo cơ quan tố tụng, một số cá nhân, tổ chức thuộc Bộ KH-ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc và Công ty Viettravel đã được Văn phòng Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc.
Quá trình thực hiện, ban tổ chức đã bị các bị can trong vụ án lợi dụng để tổ chức cho người trốn ở lại Hàn Quốc. Kết quả điều tra xác định: Nhà nước không quy định cụ thể về việc tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác, làm việc tại nước ngoài.
Trong quá trình tổ chức đoàn doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT và các đơn vị, cá nhân liên quan đã căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Văn phòng Quốc hội để tổ chức đoàn doanh nghiệp. Các đơn vị này không biết các bị can và những người liên quan trong vụ án đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để tổ chức cho người trốn ở lại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, qua điều tra thấy, một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ án là do Bộ KH-ĐT chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể về phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức đoàn doanh nghiệp.
Do vậy, ngày 5.6.2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành các công văn số 805, 806 thông báo cho Văn phòng Quốc hội, Bộ KH-ĐT về sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài để có biện pháp khắc phục.
Như Thanh Niên đã phản ánh, ngày 6.8.2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT chủ trì, tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 25.9 - 2.10.2018.
Sau đó, do lịch thay đổi nên đoàn chỉ thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4.12 - 7.12.2018. Để tổ chức đoàn doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT giao Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, triển khai thực hiện.
Đến ngày 27.8.2018, Bộ KH-ĐT phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia. Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại…
Ngày 27.11.2018, Bộ KH-ĐT đã thành lập đoàn doanh nhiệp và ban hành văn bản đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ cấp visa cho 86 cá nhân thuộc 44 doanh nghiệp. Đến ngày 3.12.2018, do một số đoàn đã đăng ký nhưng không tham gia, một số cá nhân có hộ chiếu công vụ hoặc thẻ APEC nên Đại sứ quán Hà Quốc đã cấp visa cho 53 cá nhân thuộc 35 doanh nghiệp.
Đến ngày 7.12.2018, khi kết thúc lịch trình công tác, đã có 9 người trong đoàn công tác không về Việt Nam. Đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ 6 người trong số này được Lê Thị Liễu và Trần Thị Tuyết cùng đồng phạm môi giới trốn đi Hàn Quốc.
Các bị can đã lợi dụng nhu cầu của một số người dân muốn đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc và chính sách của nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối đầu tư, kinh doanh với nước ngoài thông qua việc tham gia cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại nước ngoài, nhằm thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Trong 6 người bỏ trốn tại Hàn Quốc, đã có 4 người trở về, 2 người vẫn ở lại. Hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.