Cụ thể, đối với cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc, chỉ được phép xuất khẩu nếu đáp ứng các điều kiện: có hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác nước ngoài trước ngày 15.9.2017 và được Bộ Xây dựng xác nhận theo hướng dẫn tại công văn số 1598 ngày 3.7.2018. Hai loại cát nói trên phải đáp ứng điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ xuất khẩu theo Thông tư 05/2019 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư 05/2018 của Bộ này.
Với các loại cát khác, theo Tổng cục Hải quan, hải quan các địa phương tiếp tục thực hiện theo công văn 9826 của Văn phòng Chính phủ ngày 15.9.2017. Theo đó, “Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài”.
Trước đó, ngày 23.3.2020, Bộ Xây dựng có Công văn 1296 gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan hướng dẫn về việc xuất khẩu cát. Công văn nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 602 ngày 10.5.2018 về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, Bộ Xây dựng ngày 3.7.2018 đã có văn bản số 1598 hướng dẫn việc xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc. Các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu các loại sản phẩm cát trắng silic, cát vàng khuôn đúc đã qua sơ chế nhưng đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài trước ngày 15.9.2017, phù hợp với các quy định của pháp luật về xuất khẩu khoáng sản.
Ngoài các trường hợp nêu trên, việc xuất khẩu mặt hàng cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc hoặc cát nghiền từ sỏi, cuội, quaczit, cát kết, thạch anh… thuộc danh mục khoáng sản, được thực hiện theo chỉ đạo “không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài” của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 9826 của Văn phòng Chính phủ.
Nhiều nước trong khu vực đều có chính sách cấm xuất khẩu cát vì lý do ảnh hưởng môi trường. Tháng 7.2017, Campuchia tuyên bố cấm mọi hoạt động xuất khẩu cát vì lý do ảnh hưởng môi trường, chính thức cắt nguồn cung cấp cát cho khách hàng lâu năm là Singapore. Kế đó, tháng 7.2019, Chính phủ Malaysia cũng cấm xuất khẩu mọi loại cát biển sang Singapore.
Bình luận (0)