Tiền thân của nó là Khu kỹ nghệ Biên Hòa, chủ đầu tư là Công ty Quốc gia Khuếch trương Khu kỹ nghệ - Sonadezi (Société Nationale Pour Le Développement des Zones Industrielles), được thành lập theo sắc lệnh số 49-KT ngày 21.5.1963 và sắc lệnh số 82-KT ngày 12.8.1963 cho phép trưng thu đất lập khu kỹ nghệ với các mức bồi thường ruộng đất khác nhau lúc bấy giờ, và cũng từ đó Sonadezi đã đầu tư xây dựng thành Khu kỹ nghệ Biên Hòa với hơn 370 ha.
Theo các tài liệu chính thức trong 12 năm, từ 1963 đến 1975, bằng hình thức chìa khóa trao tay, Sonadezi đã xây dựng 94 nhà máy, xí nghiệp các loại, chủ yếu sản xuất các mặt hàng hóa chất, giấy các loại, vật liệu xây dựng, luyện kim, chế tạo máy động lực, dây cáp điện các loại, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu… Tính đến ngày 30.4.1975 thì đây là khu công nghiệp lớn nhất trong nước, thu hút số lượng lớn đội ngũ chuyên gia, nhân viên quản lý, kỹ thuật, công nhân lao động các ngành nghề làm việc, đóng góp lớn trong việc ổn định sản xuất, đời sống, cung cấp các sản phẩm cần thiết cho thị trường, góp phần phát triển kinh tế những năm sau khi đất nước thống nhất.
Thời gian sau đó, qua nhiều lần sắp xếp, có giai đoạn giải thể Sonadezi. Đến năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng thống nhất, chấp thuận, cho phép tỉnh Đồng Nai thực hiện quyền quản lý kinh doanh và làm nhiệm vụ dịch vụ đầu tư phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa và UBND tỉnh Đồng Nai được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp này.
Sau nhiều nỗ lực của tỉnh với hỗ trợ từ các bộ, ngành thuộc Trung ương, Công ty Phát triển Khu Công nghiệp Biên Hòa chính thức được thành lập theo quyết định số 1713/QĐ-UBT ngày 15.12.1990 của UBND tỉnh Đồng Nai, được lấy lại tên chính để giao dịch là Sonadezi, với ngành nghề kinh doanh ban đầu là phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai.
Từ năm 1991 trở về sau, với những chủ trương và tạo điều kiện kịp thời của Trung ương, việc nhanh chóng vào cuộc, quyết tâm, nỗ lực của Tỉnh Đồng Nai và Sonadezi Biên Hòa, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 như được "thay áo mới", cơ sở hạ tầng trong và vành đai khu công nghiệp được đầu tư mới, nâng cấp, việc duy tu, bảo trì, thường xuyên tạo cảnh quan… đạt những yêu cầu cơ bản về môi trường, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện, việc đi lại của nhân viên, công nhân lao động ở các nhà máy, xí nghiệp, công ty thuận tiện với các trục đường chính được xây dựng mới, nâng cấp.
Từ ngày thành lập Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho đến sau này, các công ty, nhà máy, xí nghiệp tại khu công nghiệp đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế, cung cấp các sản phẩm đa dạng cho thị trường sản xuất hàng hóa, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động, góp phần không nhỏ tăng trưởng kinh tế chung với các tỉnh vùng Đông Nam bộ ở thời điểm bấy giờ.
Có thể khẳng định, cũng từ đây nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lý Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cũng đã được rút ra làm tiền đề cho những năm tiếp theo để tỉnh Đồng Nai và Sonadezi Biên Hòa tiến hành lập các luận chứng kinh tế kỹ thuật, xây dựng các quy chế về quản lý và đầu tư, phát triển các khu công nghiệp trong tỉnh sau này, điển hình là: Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Khu công nghiệp Long Thành, Khu công nghiệp Gò Dầu, liên doanh Khu công nghiệp Amata, Khu công nghiệp Thạnh Phú, Khu công nghiệp Xuân Lộc. Những khu công nghiệp đầu tiên ấy cũng được xem là những mô hình mẫu lúc bấy giờ để các tỉnh bạn trong cả nước tham quan, rút kinh nghiệm khi tiến hành xây dựng các khu công nghiệp.
Một khu công nghiệp với đặc thù riêng và được xem là gần các khu dân cư, qua lịch sử hình thành phát triển như trên thì hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất đều xây dựng từ năm 1963 - 1975, cho đến những năm sau thập niên 1980 có xây dựng, cải tạo, sửa chữa mới nhưng không nhiều. Chính vì vậy đã bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết, được cho là không còn phù hợp với sự phát triển, yêu cầu mới đặt ra, nhất là về môi trường.
Từ những năm 2000, qua các công trình nghiên cứu, theo dõi đánh giá, cụ thể là nghiên cứu của PGS-TS Lê Trình, Viện Môi trường và phát triển bền vững đã đưa ra nhận định, kết luận "phần lớn các cơ sở công nghiệp được xây dựng từ năm 1980 về trước nên công nghệ cũ, lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải; việc không có các trạm xử lý nước thải tập trung khiến phần lớn nước thải và cả chất thải rắn, khí thải đều được xả trực tiếp ra môi trường, đây là nguồn gây tác động rất lớn đến chất lượng môi trường, sức khỏe dân chúng, tài nguyên thiên nhiên...".
Đó chính là nguyên nhân để năm 2008, tỉnh Đồng Nai trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I. 1 năm sau, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Và đến tháng 1.2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam.
Cá nhân đã gắn bó, làm việc, đi lại hằng ngày với Khu công nghiệp Biên Hòa 1 từ thập niên 1980 cho đến sau này, với tôi, nơi này đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện, giúp tôi luôn cố gắng phấn đấu trong công việc, ổn định cuộc sống nhất là trong giai đoạn khó khăn chung và ngày càng trưởng thành cùng nhiều kỷ niệm khó phai mờ theo năm tháng… Phải chăng vì vậy nên những trăn trở, thay đổi, chuyển mình của nó tôi luôn ghi nhớ, cập nhật với trách nhiệm riêng và tình cảm yêu mến chân thành.
Những năm qua, tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan Trung ương, địa phương đã nỗ lực xúc tiến và triển khai các công tác liên quan, hiện vẫn tiếp tục thực hiện cho dù nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục xem xét, tháo dỡ. Tôi tin và hy vọng thời gian không xa một khu đô thị, dịch vụ tiện ích, thông minh sẽ ra đời để phục vụ đời sống xã hội, cộng đồng…
Một lần nữa, chiếc áo rất mới sẽ thay thế cho Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được hình thành, phát triển trong hơn 60 năm qua, một khu công nghiệp với tôi là đầu tàu tiên phong và đã hoàn thành sứ mệnh trước lịch sử. Sẽ không còn tiếng còi báo vào, ra ca hằng ngày của các nhà máy nhưng tôi vẫn sẽ lắng nghe hơi thở của thời gian cùng sự chuyển mình của nó trong tương lai. Khi có thời gian tôi vẫn tự mình tìm về lối cũ và tiếp tục viết về nơi ấy, cho dù chỉ là những hoài niệm về một khu công nghiệp – hẳn là của không ít người…
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)