Khu công nghiệp Hà Tĩnh bỏ hoang, người dân thiếu đất sản xuất

05/09/2018 14:02 GMT+7

Tình trạng trên đang xảy ra tại khu công nghiệp Đại Kim thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh).

Dân “khát” đất sản xuất
Khu công nghiệp (KCN) Đại Kim (xã Sơn Kim 1, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) được thành lập năm 2007 theo Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 33 ha. Sau 11 năm đi vào hoạt động, phần lớn diện tích đất quy hoạch tại KCN này đang bị bỏ hoang vì chưa tìm được nhà đầu tư; một số doanh nghiệp khác “ôm” đất đầu tư nhỏ giọt khiến các công trình bị xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.
Theo báo cáo của Văn phòng đại diện Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tính đến thời điểm hiện nay, KCN Đại Kim mới có khoảng 13 trong tổng số 33 ha đất được 4 doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đăng ký thuê đất gồm: dự án Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh; nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của Công ty CP Việt Lào; nhà máy sản xuất kính của Công ty CP kính Sơn Kim và nhà máy sản xuất xe đạp điện của Công ty CP xe đạp điện Hà Tĩnh. Tuy nhiên, hiện chỉ có nhà máy sản xuất xe đạp điện là đang hoạt động cầm chừng, các doanh nghiệp còn lại đầu tư dang dở rồi bỏ đất hoang.
Ông Nguyễn Quang Thành (63 tuổi, ngụ thôn 8, xã Sơn Kim 1) cho biết năm 2008, hơn 100 hộ dân ở thôn 8 và thôn 9 bị thu hồi hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp. Sau khi tiến hành bồi thường xong, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tiến hành hoàn thiện mặt bằng và xây dựng một số hạng mục hạ tầng để thu hút đầu tư.
“Vào năm 2010, chúng tôi thấy một số công ty đầu tư xây dựng nhưng vài năm sau đó thì họ bỏ đi, để lại nhiều công trình xây dựng dở dang. Nếu KCN này hoạt động không hiệu quả thì nên thu hồi lại và trả lại đất để người dân canh tác”, ông Thành nói. Còn ông Nguyễn Quang Trung (64 tuổi, xã Sơn Kim 1) bức xúc: “Đất để hoang hóa không làm gì cả nên rất lãng phí. Người dân đang dư thừa lao động nhưng không còn một mét vuông đất nông nghiệp nào để sản xuất”.
Do thay đổi cơ chế chính sách
Ông Trần Hồng Sơn, cán bộ Văn phòng đại diện Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cho hay nguyên nhân khiến doanh nghiệp không còn mặn mà “dốc vốn” hoặc vào đăng ký thuê đất tại KCN Đại Kim vì một số quy định cơ chế, chính sách không còn như trước.
Theo ông Sơn, ngày 1.9.2016, luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 bắt đầu có hiệu lực thì Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi là khu phi thuế quan. Tiếp đó, ngày 16.1.2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 1.3.2018) về việc bãi bỏ Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 26.11.2013 về quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu, nên tất cả các dự án đầu tư được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư; doanh nghiệp, tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh, sản xuất, đầu tư hạ tầng của ngân sách nhà nước... từ sau thời điểm này sẽ không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trước. “Các quyết định trên ảnh hưởng rất lớn đến các dự án đang đầu tư cũng như ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp tới mục tiêu hoạt động và quy mô dự án. Vì vậy, việc thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất ở KCN Đại Kim để hoạt động sản xuất là vô cùng khó khăn”, ông Sơn nói.
Ông Phan Thăng Long, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cho biết đơn vị này đang cố gắng đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp đã đầu tư vào KCN Đại Kim sớm đi vào sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được thì sẽ thu hồi để kêu gọi một số doanh nghiệp nhỏ và vừa khác vào đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư hiện nay vô cùng khó khăn vì những cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu nói chung và KCN Đại Kim nói riêng không còn. “Chúng tôi đang đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh thống nhất các phương án trình T.Ư cho điều chỉnh quy hoạch tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo để phù hợp với xu thế mới”, ông Long nói.
Sau 11 năm đi vào hoạt động, KCN Đại Kim gần như bị bỏ hoang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.