"Khu đầm có cánh" - 3D Việt sớm ra rạp

05/04/2012 16:23 GMT+7

Bộ phim của đạo diễn trẻ hoạt hình Huỳnh Vĩnh Sơn-kế tiếp 'Thỏ và rùa 3D' (2008) thành công- mất gần 3 năm thành hình, hứa hẹn ra rạp cuối năm nay.

Bộ phim của đạo diễn trẻ hoạt hình Huỳnh Vĩnh Sơn-kế tiếp 'Thỏ và rùa 3D' (2008) thành công- mất gần 3 năm thành hình, hứa hẹn ra rạp cuối năm nay.

30 phút mất 3 năm

Ngay sau khi Thỏ và rùa được Cánh diều bạc 2008, Bông sen vàng LHP Việt Nam lần 16, Huỳnh Vĩnh Sơn ấp ủ Khu đầm có cánh, một phim 3D tiếp nữa trong làng phim hoạt hình “made in Vietnam”. Đạo diễn sinh năm 1979 nâng độ dài từ Thỏ và rùa 20 phút, lên 30 phút cho phim mới.

“Thế giới làm được phim hoạt hình dài 90 phút, nhưng mình phải từng bước thôi. Chuyển từ làm phim ngắn sang phim dài là cả vấn đề”, Huỳnh Vĩnh Sơn nói.

 
Tạo hình nhân vật trong “Khu đầm có cánh” - Ảnh: HVS

Kịch bản của My Linh, chị gái của đạo diễn, cũng là tác giả Thỏ và rùa. Khu đầm có cánh xoay quanh cậu bé Bong bóng muốn khám phá thế giới quanh mình một cách lãng mạn, phiêu lưu.

Khu đầm có cánh do Hãng phim Giải phóng sản xuất, đáng ra trình làng cuối năm 2010. “Một bộ phim nước ngoài làm mất 5,7 năm là bình thường. Tất nhiên mọi người có thể nói, phim của anh có hay như họ đâu mà lâu thế. Kỳ thực, tôi không có 100- 200 nghệ sĩ tham gia cùng một lúc nên rất khó đẩy nhanh tiến độ”, Huỳnh Vĩnh Sơn chia sẻ.

“Kỹ thuật bây giờ tốt hơn trước rất nhiều, tưởng chừng lợi thế, hóa ra đôi khi lại chậm hơn. Máy móc tự huy động nên cũng không thể như ý. Có những giai đoạn mất 4-5 tháng trời mới xong một khâu, nhưng không ưng ý đành phá bỏ. Thêm lí do nữa, không phải khi nào cũng tập trung cho dự án Khu đầm có cánh được. Kinh phí được cấp chỉ một phần, phần không nhỏ tôi phải tự xoay sở, chạy vạy”, đạo diễn chia sẻ lí do chậm phim.

“Tạo hình nhân vật khi tôi chia sẻ trên mạng, nhận khá nhiều ý kiến phản hồi tích cực cả tây lẫn ta. Phim này có thêm nhiều pha hành động hơn, thổi vào luồng gió hiện đại, tươi tắn hơn. Tất nhiên, mọi thứ màu mè bên ngoài không thay được hồn cốt của bộ phim”, Huỳnh Vĩnh Sơn nói.

Ra rạp, phải cố chứ!

 
Khu đầm có cánh, đến nay chắc chắn có Thành Lộc tham gia trong số các nghệ sĩ nổi tiếng. Viết nhạc cho phim là nhạc sĩ Lưu Hà An. Đạo diễn nói thêm, Thùy Chi thể hiện một số ca khúc trong phim-lựa chọn này vì anh mê giọng hát trong trẻo của cô.

Hoạt hình Việt mỗi năm ra lò chừng trên dưới 30 phim. Một số chiếu báo cáo rồi cất kho, chờ các liên hoan phim, cánh diều. Số khác có thể xuất hiện trên truyền hình, hoặc được đưa lên các trang mạng chia sẻ video.

Cơ hội ra rạp của phim hoạt hình Việt gần như bằng không. Khu đầm có cánh, như Huỳnh Vĩnh Sơn kỳ vọng, sau buổi ra rạp họp báo sẽ có cơ hội công phá ở rạp chiếu, dẫu biết còn phải lo khâu tìm rạp chiếu.

“Vấn đề của tôi là hơi huyễn hoặc một chút, hơi quá tự tin để làm điều gì khác biệt, vì điều kiện của mình cũng xêm xêm mọi người. Nếu làm bộ phim đúng thời hạn, giống chất lượng như người ta thì làm để làm gì. Mình cứ làm một điều gì đó thú vị đi, cho dù cánh cửa có thể mở cho người khác cũng được”, Huỳnh Vĩnh Sơn nói.

Gần đây, trào lưu làm phim hoạt hình, 3D của giới trẻ không còn xa lạ. Phim làm xong, có thể chia sẻ trên trang mạng, hoặc cùng nhau dự liên hoan nhỏ ở TPHCM. Nhưng đó vẫn là phần ngoài luồng, không có cơ hội dự các liên hoan chính thống.

“Thử hỏi, các em trẻ rất đam mê đấy, nhưng sau tất cả những thứ đầu đời họ làm, đầy khát vọng, nhưng bước tiếp theo là gì? Hoàn toàn không có con đường, định hướng nào cả. Chẳng hạn mở công ty, nào phải ai cũng có lực. Thế là chấp nhận làm cho công ty nước ngoài, làm quảng cáo phục vụ khách hàng và niềm đam mê cũng dần nhạt nhòa theo thời gian”, đạo diễn nói.

Ít ai biết Igor, phim hoạt hình đình đám phát hành ở Mỹ năm 2008, trong nhóm làm phim có rất nhiều người Việt. Thời gian gần đây, Cô bé bán diêm 3D của nhóm làm phim độc lập gây chú ý, kỹ thuật tốt nhưng vẫn bị chê xa lạ.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.