Khu dân cư cách nghĩa trang một cái…hàng rào

04/03/2016 08:08 GMT+7

Nhiều năm nay, người dân TP.Vinh (Nghệ An) phải sống cạnh người chết, do trên địa bàn có nhiều nghĩa trang tự phát nằm sát khu dân cư.

Nhiều năm nay, người dân TP.Vinh (Nghệ An) phải sống cạnh người chết, do trên địa bàn có nhiều nghĩa trang tự phát nằm sát khu dân cư.

Nghĩa trang tự phát trên đường Hải Thượng Lãn Ông nằm sát một khu đô thị mới - Ảnh: K.HoanNghĩa trang tự phát trên đường Hải Thượng Lãn Ông nằm sát một khu đô thị mới - Ảnh: K.Hoan
Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, khoảng cách giữa tường nhà dân gần nhất đến nghĩa trang hung táng tối thiểu là 1.500 m, nghĩa trang chôn một lần là 500 m. Tuy nhiên, tại TP.Vinh có hàng chục nghĩa trang đang nằm sát vách nhà dân ngay trong khu vực nội thành và vùng ven, thuộc các địa bàn như: xã Hưng Lộc, xã Hưng Đông; P.Hưng Dũng…
Đặc biệt, tại xã Hưng Lộc, hiện có 8 cụm nghĩa trang tự phát nằm trong khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc (TP.Vinh) cho biết, dù người dân sống quanh các nghĩa trang này kêu ca từ nhiều năm nay nhưng UBND xã chưa biết phải giải quyết thế nào, vì chưa thể xây dựng nghĩa trang mới.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại xã này, nghĩa trang nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, vẫn chôn cất người chết, trong khi nằm sát đó là dự án khu đô thị mới đã nhiều người đến ở. Nghĩa trang Lộc Sót chỉ cách khu dân cư một bờ rào; 3 phía đều là nhà dân, 1 phía là chợ. Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ xóm Mỹ Hạ, xã Hưng Lộc) than thở, gia đình bà và hàng chục hộ dân khác rất khổ sở khi phải sống ngay cạnh người chết. “Cứ có người chết chôn ở đây là chúng tôi phải đóng cửa suốt mấy ngày. Nhiều năm nay, chúng tôi kêu xã, yêu cầu ngừng chôn cất tại đây, nhưng UBND xã vẫn không cho ngừng”, bà Hường nói.
Cũng tại xã Hưng Lộc còn có nghĩa trang TP.Vinh, chỉ cách nhà dân 200 - 300 m và nằm lọt giữa vị trí quy hoạch TP.Vinh mở rộng. Nghĩa trang chỉ rộng gần 3 ha, đã bị quá tải từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang TP.Vinh cho biết, do nghĩa trang này quá nhỏ nên đang phải thực hiện việc cất táng quay vòng. Ban quản lý bất đắc dĩ phải yêu cầu các gia đình cất bốc, cải táng tại nơi khác sau khi chôn cất người quá cố 3 - 5 năm để lấy chỗ chôn cất cho người khác. “Theo quy định, sau khi cất bốc, phải xử lý bằng hóa chất và 2 năm sau mới được an táng người khác lên vị trí đó, nhưng do không có chỗ nên không thể thực hiện được qui định này”, ông Hồng nói.
Dự án nằm trên giấy
Năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án xây dựng nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng tại xã Hưng Tây (H.Hưng Nguyên) trên diện tích 200 ha, nằm trên đồi cao, địa hình đẹp, cách xa khu dân cư. Sau khi dự án được phê duyệt, một doanh nghiệp ở Quảng Ninh đã làm thủ tục đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, 3 năm sau, doanh nghiệp này xin rút khi chưa đầu tư bất cứ hạng mục nào tại dự án này. UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục kêu gọi và năm 2011, một doanh nghiệp khác ở TP.HCM đăng ký đầu tư. Thế nhưng 2 năm sau, doanh nghiệp này cũng rút lui. Tiếp đó, một doanh nghiệp ở TP.Vinh tiếp tục đăng ký thực hiện dự án nhưng đến nay, sau gần 3 năm đăng ký, doanh nghiêp này vẫn chưa có động thái nào đầu tư vào dự án.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang TP.Vinh cho rằng, các doanh nghiệp không mặn mà với dự án xây dựng nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng ngoài lý do năng lực tài chính, còn sợ khó giải phóng mặt bằng khi người dân không muốn xây nghĩa trang tại địa phương trong khi chi phí bồi thường doanh nghiệp phải chi trả.
Theo ông Nguyễn Hoài An, Chủ tịch UBND TP.Vinh, dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành vì hiện tại doanh nghiệp đăng ký đầu tư không mạnh về tài chính nên chỉ hứa chứ chưa có động thái tích cực nào để thực hiện. “Chúng tôi đang rất đau đầu về việc này. Thành phố đang quy hoạch một nghĩa trang khác ở xã Nghi Kim chứ chờ nghĩa trang Vĩnh Hằng thì chưa biết đến khi nào”, ông An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.