Khu Dân sinh một thời lừng lẫy Sài Gòn

11/09/2021 10:00 GMT+7

Hôm nay (11.9) đúng 49 ngày nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa rời cõi tạm. Ông ra đi nhưng tình yêu với mảnh đất Sài Gòn vẫn đong đầy. Thanh Niên đăng bài báo cuối cùng ông gửi như một nén hương tưởng nhớ…

Có cái rạp hát bóng nào lại ở trong một cái chợ?

Tui nhớ hồi năm học lớp 12, cùng tụi bạn “cúp cua” đến rạp Đại Nam để xem phim The God Father (Bố già). Nhưng vì phim hay nên rạp đã bán sạch sành sanh vé. Tụi tui đang rầu rĩ vì quê độ thì thằng Hiệp mập, “con ma” khu vực chợ Cầu Muối liền rũ đi xem phim cao bồi Mỹ của một rạp hát gần đó.
Tụi bạn tui cười thằng này vua nổ vì khu vực rạp Đại Nam có rạp nào đâu chỉ trừ đoàn cải lương Hồ quảng ở đình Cầu Quan gần đó. Không nói không rằng, nó dẫn cả đám chạy đến khu Dân sinh.
Tụi tui không biết là trong khu Dân sinh có một rạp hát thiệt. Rạp đó tên là rạp Dân Sinh, chuyên chiếu phim cao bồi Mỹ cũ, không hề bao giờ có quảng cáo trên các báo. Thiệt tình, cũng có đến khu này nhiều lần nhưng chưa hề biết rằng trong khu bán đồ cũ nầy lại có một rạp ác chiến như vậy.
Sau khi coi phim “khi xưa ta bắn èng éng eng” xong, tụi tui bèn thả bộ đi một vòng trong khu này chơi. Quả tình là khu này lớn thật, tới bốn mặt giáp công của bốn con đường thuộc loại “ngầu” của quận Nhì: Nguyễn Công Trứ - Yersin - Nguyễn Văn Sâm - Ký Con, gần mấy cái chợ ơi là dữ: Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh. Khu Dân sinh được cho là khu chợ không phải dạng vừa vì nó gắn với oai linh của Đại Ca Thay (rạp Ca Thay góc đường Công Lý và Nguyễn Công Trứ gần đó).

Khu “thứ dữ” ngày xưa

Mà thật ra vốn dĩ, thời trước 1975 đây là một khu “thứ dữ” rồi. Dân “kỳ bẽo” đố ai chẳng biết đây là khu Kim Chung của Đô trưởng Bảy Viễn có sòng bạc bự xự tên là Casino Cloche d'Or (Chuông Vàng-Kim Chung).
Khu này nằm ở đường Boresse “xóm Bồ rệt” - một khu xóm chị em, khoảng từ năm 1900 đến năm 1930, dân xe kéo quen gọi là khu Bọt đền (bordel). Đến thời Bảy Viễn, Boresse trở thành khu bài bạc. Từ xóm điếm đến khu bài bạc thì truy xét lý lịch ba đời khu này thật là nhọ. Dân mê bài bạc thường khoái vào đây hơn là mua vé số. Kim Chung với Đại Thế Giới là hai khu kinh tài bằng vàng của Bảy Viễn. Năm 1955 Tổng thống Ngô Đình Diệm dẹp sòng bạc này và cho đổi tên khu này thành khu Dân sinh.

Trước 1975, khu Dân Sinh là nơi chuyên bán quân trang, quân dụng cũ và mới của quân đội Mỹ

ẢNH: T.L

Lai lịch của cái tên hết sức tình thương mến thương này cũng có nhiều ý kiến, ý cò tranh biện về ý nghĩa và nguồn gốc ra đời. Có bậc thức giả cho rằng cái tên là sự đọc trại tên đường của ông Năm Yersin. Dẹt-sin, dẹt-sin… khu dẹt-sin…, khu Dân sinh bỗng dưng nghe thật du dương nguồn sống nhân gian. Cho dân sinh sống, đúng là chính quyền của nhân dân... cũng gần với ý nghĩa của một bậc “ngủ giả” cho rằng Tổng thống Đệ nhứt Cộng hòa Nhân vị đã đặt tên khu chợ này là khu Dân sinh vì dựa theo thuyết tam dân của Tôn Dật Tiên…
Lúc này khu Dân sinh trở thành một trung tâm buôn bán đồ lạc xoong, quần áo cũ, quân trang, trung tâm vui chơi giải trí: quán bi-da, banh bàn, máy đánh bạc trẻ em, các quán bar, quán ăn... và rạp chiếu phim thường trực, gọi là “cinéma permanent” cực kỳ nổi tiếng mà tay nào xưng là anh chị thì không thể nào nói là mình không biết.
Viết truyện về du đãng, thế giới của trẻ bụi đời, “kỳ bẻo”, chôm chỉa… mà không nói về khu Dân sinh như tô phở thiếu thịt bò. Ấy là chưa kể đến phụ tùng xe gắn máy, xe hơi vừa mất không lâu thì phải khôn hồn chạy vào khu Dân sinh mà tìm. Có ngay trong tích tắc chứ đừng tìm đâu xa. Câu cửa miệng khi kiếm phụ tùng xe bị mất: “Vô khu Dân sinh đi”. Nếu vào khu Dân sinh không có thì chịu khó đi tìm hãng xe mà mua lại vì biết đâu đã có vị khách đau khổ nào đó đã nhanh tay hơn ta tìm được món hàng mà họ đã mất giống như hàng của ta vậy.

Tới khu Dân sinh có thể tìm mua được những chiếc hộp quẹt zippo, máy phát nhạc loa kèn, bi đông sắt hay những đồng bạc cũ…

ẢNH: T.L

Ngày xưa, Sài Gòn có 28 chợ chính thống. Còn những chợ chuyên bán chó, mèo ở đường Hàm Nghi. Chợ Nhật Tảo, Huỳnh Thúc Kháng chuyên hàng điện tử; chợ phụ tùng xe thì có Tân Thành: chợ trời Tôn Thất Thiệp chuyên bán hàng hóa gia dụng của “Mẽo”, chợ trời Nguyễn Thông đặc trách đồ hộp… Còn khu Dân sinh thì chỉ bán những gì thuộc loại khó kiếm trong các thể loại thượng vàng, hạ cám!
Nhớ nhất là mặt hàng mà dân chơi ưa tìm đến khu này để mua là giày quân dụng bốt-đờ-sô (botte de saut) của Mỹ. Mua mấy đôi này về, cắt phần thân trên ngay mắt cá chân thì trở thành đôi giày đi chơi thật “ngầu hầm”. Không biết mấy anh lính xứ Cờ hoa thiếu tiền hay bao gái mà thường vào đây để bán quân trang, quân dụng thừa với giá bao nhiêu cũng bán (do bị bạn hàng ở đây ép giá). Còn dân nghèo, sinh viên, học sinh muốn ăn diện thì vào đây mua quần áo viện trợ của Mỹ, lựa bộ nào còn mới giá rẻ, về đưa thợ may sửa lại thì vẫn là bộ đồ có thể đưa nàng đi bát phố Bô Na sáng chủ nhật, vùa đi vừa hát Chủ nhật tươi hồng (Beautiful Sunday).
Ấy là ban ngày, sáng trưng bạch nhựt buôn bán hàng hóa ì xèo còn đến ban đêm thì thôi rồi, là nơi sung sướng của cánh đàn ông hay bú “dịu”. Nói nôm na cho nó dễ hiểu là nơi tập trung những quán nhậu vô cùng hấp dẫn. Những quán nhậu này không chỉ thuần túy là nhậu mà còn có đào nương chuốc tửu cho các anh hùng. Chính vì vậy, khu vực nhậu nhẹt này, ẩm (ương) khách toàn là lính tráng từ ở vùng 1, vùng 2 về trả thù đời, của các anh mang danh là “bạn dân” với “cội” (súng) trong lưng quần hoặc những kẻ yên hùng của hai chợ có tên đầu là “Cầu” luôn sẵn sàng tung “mảng cầu” (lựu đạn) cho nổ tóe lửa đì đùng rồi co giò chạy để lại vài tấm thân không mất cái chân thì cũng cái tay. Bởi vậy nơi chốn dân sinh này, ban đêm không dành cho người lành tính.
Nói chung, ngày xưa khu Dân sinh dù là một nơi buôn bán nhưng nghe bạn trai, em gái nào có thành phần xuất thân là khu Dân sinh thì dân chơi thiện lành teo hết. Kiếm chỗ khác cho nó lành và an nhàn hậu hoạn. Còn bây giờ, khu Dân sinh đã trở về đúng chức năng của nó là một cái chợ chuyên bán nhiều hàng hóa “made in China” và CCCP (Liên Xô cũ) thời ngày xưa ăn bo bo ấy.
Một cái chợ ôi thôi rất hiền của quận Nhứt (có trụ sở công an gần đó nhe). Ngoài ra, cũng còn rơi rớt lại một vài hàng chuyên bán đồ cũ, đồ xưa. Khu Dân sinh dành cho những người tìm lại kỷ niệm xưa để mà tìm lại chút thanh xuân như kẻ hèn này - một ông già không còn trẻ nữa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.