Ngày 2.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết sáng cùng ngày, hàng chục người dân ở thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, H.Hoa Lư) đã quay trở lại chèo đò phục vụ du khách tham quan Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Theo ông Tấn, hoạt động chèo đò đã trở lại gần như bình thường và du khách cũng đổ về Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đông hơn.
"Những nỗ lực của chính quyền, các đơn vị chức năng, doanh nghiệp và người dân thời gian qua liên quan đến việc ký hợp đồng lao động cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng ngành du lịch ở khu vực này (Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động - PV) nói riêng và của tỉnh Ninh Bình nói chung. Đến hôm nay (2.9 - PV) nhiều người dân đã ký hợp đồng lao động và quay trở lại chèo đò phục vụ khách du lịch", ông Tấn cho hay.
Vụ việc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động bị tê liệt gần 2 tháng qua (Thanh Niên đã phản ánh) do giữa doanh nghiệp quản lý khu du lịch là Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An với hàng trăm người chèo đò ở xã Ninh Hải chưa thống nhất được việc ký hợp đồng lao động.
Từ trước đến nay, người dân vẫn chèo đò và nhận tiền công từng chuyến từ tiền bán vé tham quan do Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An thu.
Tuy nhiên, đầu tháng 7, Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An triển khai việc ký hợp đồng lao động theo chủ trương của UBND tỉnh Ninh Bình, nhưng người chèo đò đã không đồng ý ký hợp đồng vì cho rằng hợp đồng có nhiều điều khoản bất lợi với họ.
Sau rất nhiều lần gặp gỡ, đối thoại, ngày 1.9, Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An đã đưa ra bản cam kết đồng ý thực hiện các yêu cầu của người dân, như: tôn trọng Hương ước của thôn Văn Lâm; cam kết việc xét, cấp, cắt, tạm dừng số đò thực hiện theo Hương ước của thôn Văn Lâm; ưu tiên ký hợp đồng lao động chèo đò chở khách du lịch ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đối với người dân gốc thôn Văn Lâm, từ đủ 18 tuổi trở lên.
Công việc của người chèo đò chỉ đơn thuần là chèo đò chứ không làm việc khác. Thời gian làm việc theo thời gian thực tế chở khách du lịch, không bắt buộc ngày làm việc 8 tiếng như luật Lao động.
Doanh nghiệp cũng cam kết trả tiền công chèo đò cho người dân tăng từ 150.000 đồng/chuyến lên 200.000 đồng/chuyến...
Theo thông tin từ Sở Du lịch Ninh Bình, đến sáng 2.9, đã có thêm nhiều người dân ký hợp đồng lao động (trước đó đã có khoảng 140 người trong tổng số hơn 600 người chèo đò ký hợp đồng), tuy nhiên, vẫn chưa đạt được 100% số lượng người chèo đò ký hợp đồng.
Bình luận (0)