Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần hơn 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư

11/12/2024 19:51 GMT+7

Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 cần tổng mức đầu tư hơn 35.800 tỉ đồng.

Ngày 11.12, thông tin từ UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh vừa có tờ trình gửi Bộ KH-ĐT về việc phê duyệt đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Theo đó, về nhu cầu vốn, TP.Đà Nẵng dự kiến chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là đến cuối năm 2029, khái toán tổng mức đầu tư bên trong Khu thương mại tự do khoảng 35.887 tỉ đồng.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần hơn 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư- Ảnh 1.

Cảng Liên Chiểu - nơi gắn liền với Khu thương mại tự do Đà Nẵng đang được thi công cấp tập

ẢNH: HOÀNG SƠN

Bao gồm, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 20.755 tỉ đồng (chiếm 58% tổng vốn) và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 15.132 tỉ đồng (chiếm 42% tổng vốn). Trong đó, nhà đầu tư chiến lược sẽ chịu trách nhiệm triển khai, đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 136 của Quốc hội (trong đó có nội dung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng).

Đối với chi phí giải phóng mặt bằng, theo Nghị định số 103/2024/NĐ-CP, nhà đầu tư có thể ứng trước khoản chi này và sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hoặc tính vào vốn đầu tư dự án tùy từng trường hợp. Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn này sẽ được lấy từ nguồn vốn tư nhân, dự kiến hạn chế tối đa việc làm tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau năm 2029, chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng với vốn ngoài ngân sách nhà nước, ước tính trên 4.324 tỉ đồng.

Về phương thức huy động vốn, nhà nước sẽ cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới Khu thương mại tự do; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng hoặc khấu trừ tiền thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần hơn 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư- Ảnh 2.

Đề án thành lập Cảng Liên Chiểu là hạ tầng quan trọng của Khu thương mại tự do

ẢNH: HOÀNG SƠN

Nhà đầu tư chiến lược sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong Khu thương mại tự do, như: xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước, điện lực và các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.

Ngoài ra, khai thác triệt để các ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược trong Nghị quyết 136, đồng thời đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ chi phí, chia sẻ rủi ro để thu hút tối đa nguồn lực từ tư nhân.

Ngành nào được ưu tiên phát triển trong Khu thương mại tự do?

UBND TP.Đà Nẵng cho biết, đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ ưu tiên nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, các ngành sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao (điện tử tiên tiến; sản xuất máy bay, linh kiện phụ trợ hàng không và MRO; cơ khí tiên tiến; dược phẩm và công nghệ sinh học; lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn...); logistics (vận tải đa phương thức; dịch vụ phụ trợ và kho bãi...); thương mại dịch vụ (outlet, bán hàng miễn thuế, du lịch y tế, MICE, kinh doanh casino, dịch vụ nhà hàng, nghỉ dưỡng, khách sạn; công nghệ thông tin, phần mềm, nhà ở chuyên gia…).

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần hơn 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư- Ảnh 3.

Vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra các phân khu được quy hoạch làm Khu thương mại tự do Đà Nẵng

ẢNH: HOÀNG SƠN

TP.Đà Nẵng ưu tiên phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực (nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn; dịch vụ hỗ trợ (thanh toán, khởi nghiệp, tư vấn luật, giáo dục nghề và trọng tài kinh tế,...); trong đó có gắn kết giữa Khu thương mại tự do Đà Nẵng với Trung tâm tài chính quy mô khu vực (có thể nghiên cứu theo hướng gắn kết thông qua cơ chế cùng giao cho 1 đơn vị quản lý, cùng chung cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính cũng được hưởng những cơ chế, chính ưu đãi của Khu thương mại tự do và ngược lại...).

Về quản lý, vận hành Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có là mô hình quản lý trên cơ sở quản lý tập trung và phối hợp chặt chẽ. Các cơ quan Trung ương và các sở, ban, ngành địa phương phối hợp cùng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được giao, đảm bảo các hoạt động triển khai liên quan đến Khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển chung.

Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DEFTZA) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tổng thể cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng với cơ chế "một cửa, tại chỗ". DEFTZA trực tiếp điều phối và xin ý kiến từ các cơ quan liên quan về các vấn đề phát sinh trong Khu vận hành thông suốt, hiệu quả.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần hơn 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư- Ảnh 4.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu thương mại tự do đầu tiên được tích hợp các chức năng logistics cảng biển

ẢNH: HOÀNG SƠN

Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi đã được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15; đồng thời rà soát, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trên cơ sở đối sánh với các khu thương mại tự do quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.