Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12.4 chỉ rõ: công tác quản lý thu ngân sách nhà nước tại một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt; nợ đọng thuế năm 2017 là 73.145 tỉ đồng, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng còn lớn (nợ thuế bằng 7,6% tổng thu nội địa); có 19/63 địa phương thực hiện thu tiền thuế nợ đạt thấp dưới mức 89,9%...
Cắt giảm 100% kinh phí tổ chức động thổ, khởi công, khánh thành
Việc tinh giản biên chế, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Cụ thể, hiện còn 42.146 đơn vị sự nghiệp được ngân sách bảo đảm toàn bộ kinh phí, bằng 73,7% số lượng đơn vị sự nghiệp. Kinh phí cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỉ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016. Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước.
Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao. Cũng theo báo cáo của Chính phủ, công tác xử lý đối với 12 dự án yếu kém ngành công thương có kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều khó khăn. Đến tháng 3.2018, có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt Trung), 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam), 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ).
Năm 2018, Chính phủ đề ra chỉ tiêu tiết kiệm 12% kinh phí chi thường xuyên ngân sách cho các phí chi hội họp, cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.
“Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015”, ông Dũng cho hay.
Báo cáo thiếu nhiều số liệu?
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề: Báo cáo thiếu nhiều số liệu từ các bộ, ngành, địa phương liệu có phản ánh chính xác kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết, nhiều báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước không nêu cụ thể số liệu nên báo cáo của Chính phủ không thể đánh giá được đầy đủ tình hình triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là các vi phạm, sai sót.
Trong khi đó, băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu năm 2018, nhất là về tổ chức và biên chế, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, nói: “Với 57.000 biên chế thừa là con số rất lớn, liệu có giải quyết nổi trong năm 2018 không? Bởi nếu cắt rụp một cái thì sẽ rối xã hội”.
Thành lập TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) và TT.Phước Cát (Lâm Đồng)
Tại phiên họp ngày 12.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua việc thành lập TX.Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và TT.Phước Cát thuộc H.Cát Tiên (Lâm Đồng).
Theo đó, sau khi thành lập, TX.Phú Mỹ có 333,84 km2 diện tích tự nhiên và 175.872 người, với 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường: Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và 5 xã (Châu Pha, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên). TT.Phước Cát có diện tích tự nhiên 16,97 km2, dân số 7.204 người.
|
Bình luận (0)