Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, mô hình xã hội hóa thành công

11/09/2019 17:00 GMT+7

Sau gần 10 năm triển khai, đến nay Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri, do Công ty Hoa Lâm Shangri-La làm chủ đầu tư, với tổng quy mô 1.750 giường ra đời đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Việc này đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh chất lượng cao của nhân dân TP nói riêng và cả nước nói chung và cũng thể hiện chủ trương đúng đắn của UBND TP.HCM về mô hình xã hội hóa lĩnh vực y tế.

Xin không miễn tiền sử dụng đất

Bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, nhớ lại vào năm 2005, trong chuyến đi nước ngoài cùng với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, khi đó ông thể hiện ước mơ VN có một khu y tế kỹ thuật cao để khám chữa bệnh cho người dân. Đây cũng là mơ ước khát khao ấp ủ bấy lâu nay của bản thân bà Lâm. Chính vì vậy, ngay khi về nước, bà Lâm đã bắt đầu xây dựng mơ ước bằng việc đề xuất lãnh đạo UBND TP.HCM để Công ty Hoa Lâm Shangri-La xây dựng khu y tế kỹ thuật cao tại VN.
Đề án này không chỉ là ước mơ của cá nhân bà mà còn là hưởng ứng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế của TP.HCM, một chủ trương còn khá mới mẻ lúc bấy giờ khi năm 2001 để khuyến khích nhà đầu tư, nguyên Chủ tịch UBND TP ông Võ Viết Thanh ký quyết định cho phép doanh nghiệp được giao đất sử dụng ổn định lâu dài, được miễn đóng tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính khác. Khu y tế rộng 42,5 ha, với quy mô 1.200 giường bệnh tại xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh.
Theo quy hoạch, khu y tế kỹ thuật cao được chấp thuận với các thông số cụ thể như: diện tích khu đất là 37,5 ha bao gồm: đất xây dựng các khu chức năng cho khu y tế kỹ thuật cao, đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án, trường học, cây xanh thể dục thể thao, giao thông, đất công trình hạ tầng kỹ thuật... Dân số toàn bộ dự án dự kiến là 8.000 người, mật độ xây dựng là 30,58%, hệ số sử dụng đất tối đa là 3,3, tầng cao xây dựng tối đa là 36 tầng.
Sau khi được TP ra quyết định cho thuê đất, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Hoa Lâm - Shangri-La đã có văn bản số 51 ngày 22.1.2009 xin từ chối quyền miễn nộp 100% tiền thuê đất diện tích đầu tư xây dựng các cơ sở y tế và khu chức năng với diện tích hơn 196.000 m2 (miễn tiền thuê đất với diện tích đất giao thông, cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật) và xin được áp dụng hình thức cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê… Những kiến nghị này sau đó được Bộ Tài chính, UBND TP đồng ý, chấp thuận.
“Từ năm 2001 từ một vùng đất hoang vu, chỉ có lau sậy, sình lầy, đến nay Khu y tế kỹ thuật cao đã được xây dựng thành khu y tế kỹ thuật cao hiện đại, với quy mô 1.750 giường bệnh. Toàn thể dự án có tổng cộng 6 bệnh viện bao gồm: Các bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn quốc tế và chuyên khoa cùng nhiều công trình phụ trợ. Cho đến thời điểm hiện tại, Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La đã có hai bệnh viện đi vào hoạt động, đó là Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Quốc tế City. Bệnh viện Quốc tế City khánh thành năm 2014. Trong vòng 4 năm từ 2015 đến 2018, quy mô khám chữa bệnh, điều trị nội trú của bệnh viện đã tăng hơn 3 lần với 14,8 nghìn lượt điều trị nội trú và 68,4 nghìn lượt điều trị ngoại trú trong năm 2018, tăng mạnh so với 4,5 nghìn lượt điều trị nội trú và 19,3 nghìn lượt điều trị ngoại trú năm 2015”, bà Lâm cho hay.

Cứu sống 90.000 bệnh nhân

Bệnh viện Gia An 115 đi vào hoạt động năm 2018, đánh dấu một bước đột phá mới trong việc phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chữa bệnh cho nhân dân. Đây cũng là bệnh viện tiên phong trong việc thực hiện mô hình hợp tác công tư PPP giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 theo nghị quyết 93 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần tích cực trong việc giảm tải cho các bệnh viện công tuyến cuối tại TP.HCM, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố nói chung và đặc biệt cho khu vực cửa ngõ miền Tây nói riêng.
Bệnh viện Gia An 115 gồm khối nhà cao 10 tầng và các khu điều trị được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế do Kume Asia (Nhật Bản) thiết kế và Global Health Services Network (Hoa Kỳ) tư vấn. Với quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám và được trang bị đầy đủ các phương tiện để phục vụ các chuyên khoa sâu như: Tim mạch, thần kinh - đột quỵ, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
Nếu như trước đây can thiệp nhồi máu não giờ vàng chỉ trong vòng 6 giờ thì phần mềm RAPID có thể cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ. Nhờ đó, cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ cao hơn. Theo số liệu công bố, trong 100 ca áp dụng phần mềm RAPID có thể điều trị thành công 49 ca nhưng nếu không có phần mềm này thì chỉ có 19 ca điều trị thành công.
Ngoài ra, với những trường hợp xuất huyết não, phần mềm RAPID (Trung tâm Đột quỵ - Đại học Stanford Hoa Kỳ) sẽ giúp đo chính xác thể tích khối máu tụ, từ đó giúp các bác sĩ lượng giá được chính xác được khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị. Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại VN phối hợp lắp đặt và triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đột quỵ não, mở rộng cửa sổ điều trị cấp lên đến 24 giờ. Điều này giúp đem lại cho bệnh nhân thêm cơ hội phục hồi, giảm tỷ lệ tàn phế, góp phần đưa người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm. Từ năm 2018 đến nay đã có hơn 90.000 bệnh nhân được cứu sống, chữa trị bởi đội ngũ y bác sĩ làm việc trong các bệnh viện tại khu y tế kỹ thuật cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.