Tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc là vi khuẩn Salmonella |
THẾ QUANG |
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 22.11, bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa nhi-nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM, cho biết trong các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có 4 nhóm: vi khuẩn, ký sinh trùng, virus, độc tố. Trong đó, Salmonella là vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
Triệu chứng xuất hiện trên bệnh nhân là tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn, sốt, lạnh run, triệu chứng xuất hiện từ 12-36 giờ sau khi ăn. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân có thể gây tử vong.
Điều đáng chú ý là thức ăn nhiễm khuẩn Salmonella có khi không thay đổi mùi vị, do đó khó phát hiện ra.
Nguồn lây vi khuẩn Salmonella là gì?
Theo bác sĩ Thanh Hà, khuẩn Salmonella có thể lây từ thú sang người hoặc ngược lại. Nó có thể xuất hiện trên thực phẩm như trứng, thịt gia cầm, sò, ốc, cá, thịt băm nhuyễn...
Bác sĩ Thanh Hà cho biết có một số nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do khuẩn Salmonella: không đảm bảo an toàn trong khâu chế biến, đặc biệt trong các bếp lớn ở công ty, khu công nghiệp, trường học, tiệc cưới; người bị Salmonella bài tiết ra nước bọt, nước tiểu, phân… không rửa tay bằng xà bông sạch sẽ, không đeo găng tay, khẩu trang trong quá trình sơ chế, chế biến thức ăn làm lây vi khuẩn tới thực phẩm.
Bữa ăn bán trú của các bé một trường mầm non với cơm trắng, cà ri gà, rau muống xào tỏi, canh bầu thịt bằm, trái cây |
THÚY HẰNG |
Một số nguyên nhân khác bao gồm: mặt nước tù đọng, nguồn nước chế biến thực phẩm không đảm bảo; quá trình rã đông thực phẩm đông lạnh như gà, vịt không đúng cách; rau củ, quả được tưới bón không an toàn, trong nguồn nước thải để tưới rau có nhiễm khuẩn Salmonella; hoặc khuẩn Salmonella bám trên bề mặt vỏ trứng gà, vịt, khi trứng bị nứt, vỡ đã thâm nhập vào bên trong và quá trình chế biến trứng không đảm bảo chín ở nhiệt độ đúng chuẩn...
Trường học phòng tránh ngộ độc thực phẩm từ khuẩn Salmonella thế nào?
Bác sĩ Thanh Hà cho biết tất cả thực phẩm được sử dụng trong nhà bếp đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giấy tờ hợp lệ, có giấy phép kiểm định chất lượng. Phải luôn chú ý để riêng, tách biệt riêng thịt sống với thịt chín; rau củ quả trái cây với các loại thịt cá sống từ trong quá trình vận chuyển, tới bảo quản, tránh sự lây lan của các vi khuẩn gây bệnh.
Theo bác sĩ Thanh Hà, thời tiết nắng nóng đang tạo điều kiện cho vi khuẩn Salmonella sinh sôi, do đó việc bảo quản thực phẩm phải đúng cách trong nhiệt độ cho phép ở tủ lạnh, việc rã đông thực phẩm cũng phải tuân thủ đúng quy định cho phép. Các công ty cung cấp suất ăn tới các trường thì dụng cụ chứa đồ ăn trong quá trình di chuyển cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Trẻ trước khi ăn phải được nhắc nhở rửa tay bằng xà phòng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thanh Hà khuyến cáo không ăn đồ sống, đồ gỏi; không ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín; không dùng sữa chưa tiệt trùng; và phải ăn chín, uống sôi, luộc thật chín thực phẩm, nhất là thịt gà; không ăn trái cây gọt sẵn bán tràn lan ngoài lề đường; không ăn thức ăn có mùi ôi, thiu.
Bác sĩ Thanh Hà trao đổi với PV Thanh Niên ngày 22.11 |
Về chế biến thức ăn, bác sĩ Thanh Hà lưu ý, dao, thớt để sơ chế thực phẩm lúc sống phải riêng biệt với dao, thớt để cắt, thái đồ ăn chín; rổ rá, nồi niêu xoong chảo, khay đựng đồ ăn, dụng cụ lấy đồ ăn… cũng phải được rửa sạch đúng quy trình, hấp sấy khô.
Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Thanh Hà đề nghị cần tăng cường kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở chế biến suất ăn trường học cũng như các bếp ăn trong nhà trường; kiểm tra từ nguồn nước, các khâu trong dây chuyền làm ra đồ ăn, tới khâu bảo quản, vận chuyển thức ăn…
“Phải làm thật nghiêm việc khám sức khỏe định kỳ, tẩy giun cho nhân viên nhà bếp. Nhân viên làm việc trong nhà bếp trường học/các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp cần phải thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn. Phải đeo găng tay, khẩu trang, có nón chụp tóc trong quá trình làm việc”, bác sĩ Thanh Hà cho biết.
Cô Phùng Lê Diệu Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Đức (Q.8), cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc học sinh bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại một trường học ở Nha Trang, Phòng GD-ĐT Q.8 tiếp tục tăng cường nhắc nhở nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc các bộ phận liên quan tổ chức bữa ăn bán trú để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo cô Diệu Hạnh, nhà trường lựa chọn công ty cung cấp suất ăn công nghiệp uy tín, có đầy đủ giấy phép. Đặc biệt, nhà trường cùng đại diện phụ huynh phải định kỳ, đột xuất kiểm tra một khâu nào đó của công ty cung cấp suất ăn này, xem họ có đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
Xem nhanh 20h ngày 22.11: Bà trùm Oanh “Hà” khét tiếng sa lưới | Trang "Nemo" cầu xin tha thứ |
Khi suất ăn được giao về trường, hiệu trưởng và cô nhân viên y tế trong trường sẽ là người ăn thử đồ ăn trước, lưu mẫu đồ ăn theo đúng quy trình, sau đó các thầy cô giáo, cô bảo mẫu cùng phát cơm tới các em.
Sẵn sàng đóng thêm tiền ăn, để con được ăn đúng, đủ, đạt
“Tôi được biết giá tiền suất ăn trong các trường công lập hiện nay khá thấp. Như có trường chỉ 30.000 đồng một ngày cho bữa trưa và xế. Giá cả leo thang, phụ huynh yêu cầu bữa ăn vừa ngon, bổ, rẻ, an toàn với giá tiền như vậy rất khó cho nhà trường, nên tôi sẵn sàng đóng thêm tiền ăn, từ 5.000-10.000 đồng/ngày để các con được ăn no đủ hơn, và quan trọng hơn là an toàn, đảm bảo sức khỏe”, phụ huynh Nguyễn Thu Hạnh, trú Q.7, TP.HCM, chia sẻ.
“Là một người mẹ có con là học sinh phổ thông, tôi cũng ủng hộ việc các phụ huynh trao đổi thẳng thắn với nhà trường, để lấy ý kiến rộng rãi có thể đóng thêm tiền ăn cho con hay không. Giá cả đều tăng cao, nhưng giá tiền ăn bán trú vẫn như vậy, các con mỗi ngày mỗi lớn. Nếu mỗi phụ huynh cùng thống nhất với nhà trường, được đóng thêm từ 6.000 đồng/ngày, tức là mỗi bữa trưa và xế được tăng thêm 3.000 đồng, cũng giúp cải thiện hơn bữa ăn đúng lượng, đủ chất, đạt chất lượng cho các con”, bác sĩ Phan Thị Thanh Hà trao đổi.
Bình luận (0)