Khung cửa mùa thu

16/09/2018 08:52 GMT+7

Tháng chín, ở thành phố phương nam này khái niệm thu về không rõ rệt lắm, bởi ở đây thường chỉ hai mùa mưa nắng.

Thường giữa buổi làm, tôi nghỉ tay bước ra ban công nhìn xuống cây me già bên kia đường. Cây mùa này lá rất xanh, khác rất nhiều với dịp trước và sau Tết Nguyên đán, là mùa khô nắng rát nên gầy rộc khô khẳng trơ ra những cành chới với chĩa lên trời. Khi những cơn mưa đầu mùa tầm tháng năm, tháng sáu dội xuống, chỉ khoảng mươi lăm ngày sau, cây me đã chơm chớm lá non đầu nhánh. Rồi cứ thế, trổ ra rất nhiều lá, mơn mởn nhìn mát mắt, dài theo thời gian cho đến tháng chín, như lúc này đây, lũ chim sẻ liệng ra liệng vào lùm me, miệng nhỏ xíu đớp những… giọt mưa thu!
Chợt nhớ bài hát quen thuộc một thời mà nhạc sĩ Nam Lộc sáng tác lời Việt phỏng theo giai điệu ca khúc Tell Laura I love her: Trưng Vương khung cửa mùa thu. Ở đó, ông hai lần đưa cây me, lá me vào một nhạc điệu xuất thần: “Tình trần mong manh, như lá me xanh, ngơ ngác rơi nhanh…”, rồi lại: “Bóng người thì mịt mùng, từng hàng me rung rung, trong cơn gió lạnh lùng, trong nắng ngại ngùng…”. Cũng chẳng thể nào hiểu hết được vì sao ông Việt hóa một bản nhạc hay đến vậy, mà người đầu tiên ru lòng người là ca sĩ Thanh Lan. Nhưng điều ai cũng thừa nhận rằng khó có thể viết về tuổi học trò một thời mà thiếu những món như ô mai, me chua muối ớt. Gắn với khung cửa mùa thu của một ngôi trường nữ sinh như Trưng Vương, thì có gì hay bằng việc nói đến lá me, ngọn me trên con đường bên hông Thảo Cầm Viên, nơi rợp bóng những hàng me. Ở sau những khung cửa ấy, những cô nữ sinh áo tím đầy mộng ước tuổi hoa niên, làm sao không ngắm nghía, đưa ánh mắt vuốt ve những ngọn me và chờ mong, trông ngóng một ai đó cho được.
Một điều thú vị và có lẽ trùng hợp ngẫu nhiên, cùng trong năm ấy (1973), khi bản Trưng Vương khung cửa mùa thu của Nam Lộc hoàn tất và được giới trẻ Sài Gòn ngân lên trên mỗi con đường, thì thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng đưa ra bài thơ Hai hàng me ở đường Gia Long, trong đó có những câu tuyệt bút mà sinh viên thuở ấy rất thích: “Chiều, nắng âm thầm chào biệt lũ lá me/Lá me nhỏ, như nụ cười hai đứa, nhỏ/Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó/Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần!...”.
Miên man vậy, lại thấy dường như cố thi sĩ Diệp Minh Tuyền vẫn ngồi đâu đây bên cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp tài hoa với cây guitar, cất giọng: “Con đường có lá me bay/Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (đồng tác giả nhạc phẩm Con đường có lá me bay). Cũng là những con đường và những hàng me còn đó, nhưng những tâm hồn thổn thức về tình yêu và nỗi chia ly bây giờ đã đi về đến chốn nào xa lắc, để lại cho đời sự tiếc nuối bao năm qua.
Để thu này, tôi lại đứng bên ban công nhìn mưa bay lướt qua tán lá hàng me, mà vẩn vơ hoài niệm!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.