Khủng hoảng nước đe dọa hơn 50% sản xuất lương thực toàn cầu

18/10/2024 07:07 GMT+7

Tình trạng nguồn cung nước không đáp ứng đủ nhu cầu có thể đe dọa đến an ninh lương thực và kìm hãm phát triển kinh tế toàn cầu.

Hãng AFP ngày 17.10 dẫn báo cáo của Ủy ban toàn cầu về kinh tế nước (GCEW) công bố ngày 16.10 nêu rằng gần 3 tỉ người và hơn một nửa sản lượng lương thực thế giới đang ở những khu vực chịu tình trạng khô hạn và nguồn cung nước không ổn định.

Báo cáo của GCEW đề cập nhu cầu sử dụng nước ngọt sẽ vượt xa nguồn cung tới 40% vào năm 2030. Trong khi đó, một nửa dân số toàn cầu đang gặp tình trạng thiếu nước và vấn đề này có thể nghiêm trọng hơn do tình hình biến đổi khí hậu, theo The Guardian hôm 16.10.

Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng khủng hoảng nước có thể đe dọa một nửa sản lượng lương thực toàn cầu vào năm 2050 nếu không có hành động kịp thời.

Khủng hoảng nước đe dọa hơn 50% sản xuất lương thực toàn cầu- Ảnh 1.

Người dân mang bình đi nhận nước miễn phí tại thành phố Bangalore, Ấn Độ hồi tháng 3

ẢNH: AFP

Thiếu nguồn cung nước còn dẫn đến nguy cơ gián đoạn tăng trưởng kinh tế. Theo GCEW, khủng hoảng nước có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050 của các nước thu nhập cao giảm 8%, trong khi các nước thu nhập thấp giảm 15%. Báo cáo chỉ ra các tác động kinh tế là hậu quả của tình trạng nhiệt độ và lượng mưa tăng do biến đổi khí hậu, lượng nước dự trữ giảm, cùng với việc thiếu nước sạch và vệ sinh.

Việc của phụ nữ: Liều mình đu dây xuống đáy giếng lấy nước

GCEW kêu gọi có hành động phù hợp trong quản trị nguồn nước, đồng thời loại bỏ các khoản trợ cấp có hại đối với những lĩnh vực sử dụng nhiều nước hoặc chuyển hướng sang các giải pháp tiết kiệm nước. Ngoài ra, cần có biện pháp hỗ trợ cho người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, kiêm đồng Chủ tịch GCEW, nhấn mạnh cần phải coi nguồn nước là vấn đề toàn cầu, cùng với đó là đưa ra các sáng kiến và kế hoạch đầu tư, nhằm giải quyết khủng hoảng và ổn định vòng tuần hoàn nước trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.