Thêm một người bạn, sao quá khó!
“Có hôm mình gọi điện nói chuyện với đứa bạn, mình nói “chắc ta phải rời nơi này quá, ở đây ta cô đơn quá”. Vừa dứt câu nói, đứa bạn đáp lại ngay: “mày cô đơn ở thành phố gần 15 triệu dân à?”. Thật sự, mình cũng không hiều tại sao, nhưng cảm giác cô đơn ở chính nơi sôi động nhất này lại là điều khiến mình hoảng sợ và muốn trốn chạy nó hơn”, MC Nguyễn Vũ Quỳnh Anh (cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) giãi bày.
Quỳnh Anh cho biết dù là người hoạt ngôn, cởi mở và dễ giao tiếp nhưng dường như những mối quan hệ đều là xã giao bên ngoài. Cô không tìm thêm được một người bạn tri kỷ nào thật sự ở thành phố đông đúc này hay một người bạn trai hợp ý. "Sau những bộn bề công việc của một ngày, mình lại quay về với những nỗi cô đơn và trống trải trong tâm hồn”, Quỳnh Anh tâm sự.
Nguyễn Thị Hoài (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) khi chuyển công tác từ Gia Lai vào TP. HCM hoàn toàn hụt hẫng, sốc về nhịp sống. Hoài tâm sự: “Ngày xưa mình ở môi trường làm việc cũ, anh chị bạn bè đồng nghiệp rất gần gũi và quan tâm nhau, mình sống rất thích. Thế nhưng từ ngày vào đây, mình không có thêm được một người bạn nào nữa hết. Là vì cuộc sống quá bận rộn khiến ai cũng chỉ biết phần việc của mình, hay là vì mình không hợp với guồng quay cuộc sống trong này?”.
Nhiều bạn trẻ cũng lặp đi lặp lại những câu hỏi như vậy mỗi ngày vì chính họ cũng không hiểu tại sao lại có cảm giác cô đơn ngay khi sống ở một thành phố lúc nào cũng sôi động.
|
Bạn tri kỷ là ... mạng xã hội
“Cô đơn thật sự không đáng sợ, nhưng điều đáng sợ là khi nhận ra mình đã quen với nỗi cô đơn ấy”, Trần Thị Minh Hà (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ.
Hà cho biết bạn bè rất nhiều nhưng cần một người thật sự hiểu để chia sẻ thì lại không. “Có lúc tưởng chừng như mình sắp bị tự kỷ vì không biết chia sẻ với ai. Rồi ở thành phố đông đúc này, mình lại thích những khoảng không một mình, không phải bon chen hay ganh đua với ai. Ngồi lặng một góc trong quán cà phê quen thuộc, nghe bản nhạc quen thuộc và nhìn thành phố “chảy trôi” theo nhịp sống bên ngoài cửa kính”.
Trương Thị Mỹ Ngọc (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) tự nói với chính mình khi viết những dòng tâm trạng vu vơ trên các trang mạng hay blog chỉ mình đọc được.“Cái tuổi mộng mơ mà lại sống ở thành phố suốt ngày chỉ biết làm, làm và làm như thế này thì mình nghĩ đây là lý do khiến nhiều bạn trẻ như mình hay có cảm giác cô đơn và hụt hẫng. Giờ mình cũng không còn cái cảm giác khao khát có được một người bạn như thời đi học nữa rồi. Buồn, cô đơn là mình lại lên mạng, lướt lướt và viết vu vơ, cũng giải tỏa được phần nào”, Ngọc nói.
Ngọc nói thêm: “Có lúc mình thấy chơi vơi lắm vì không đồng tiếng nói với ai cả. Do lứa tuổi, do tính cách hay do mình khác biệt?”.
Tách khỏi công nghệ, nỗi buồn riêng tư để tạo dựng các mối quan hệ Giải mã nguyên nhân tâm trạng cô đơn của người trẻ, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đã có những giải thích và chia sẻ.
Nhiều lý do khiến các bạn trẻ ngày nay có cảm giác cô đơn mặc dù xung quanh rất nhiều người. Thứ nhất là hiện nay nhiều bạn đặt công việc, sự nghiệp lên hàng đầu nên dành nhiều thời gian cho công việc. Đặt ra rất nhiều mục tiêu khác nhau và vô hình trung các bạn chạy theo để thực hiện những mục tiêu đó mà ít có thời gian dành cho những mối quan hệ xung quanh, cũng như chăm sóc những mối hệ đó và dần tách mình ra khỏi chúng. Thứ hai, khi các bạn trẻ gặp phải những va vấp trong cuộc sống lại thường không tìm được tiếng nói chung với nhiều người xung quanh. Những áp lực từ cuộc sống, từ tiền bạc, mối quan hệ, công việc,…làm cho các bạn cảm thấy mệt mỏi và không còn muốn kết bạn với người xung quanh nữa. Thứ ba, do thời đại công nghệ phát triển, các bạn có quá nhiều lựa chọn. Thay vì ngồi với nhau để chia sẻ, các bạn lại tìm kiếm những giải pháp giải tỏa căng thẳng bằng những kênh mạng xã hội,…Từ đó dần mất đi thói quen chia sẻ và tìm kiếm một người để chia sẻ. Những kênh mạng xã hội này chỉ một phần nào đó giúp các bạn khỏa lấp đi những tâm sự của bản thân, nhu cầu được kết nối, được chia sẻ vẫn còn đó. Và vì không dành nhiều thời gian cho những mối quan hệ nên những mối quan hệ đó không còn được như ngày xưa, các bạn lại rơi vào cảm giác cô đơn do chính bản thân mình tự tạo ra. “Chúng ta phải luôn hiểu rằng mỗi người khi tham gia vào các mối quan hệ khác nhau gặp phải xung đột là chuyện hết sức bình thường. Mỗi một người sẽ có tính cách, sở thích, quan điểm sống riêng...nên chúng ta phải chấp nhận và thích ứng với điều đó. Một mối quan hệ không phải tự nhiên mà có được nên nếu chúng ta thật sự muốn, cần mối quan hệ đó để cùng đồng hành và chia sẻ thì phải lên kế hoạch để có được điều đó và phải dành thời gian để chăm sóc, phát triển nó. Mối quan hệ cũng giống như cái cây, không phải tự nhiên mà phát triển được nếu ta không chăm sóc. Không một ai có thể sống, phát triển và đi xa nếu chỉ có một mình, cho nên chúng ta cố gắng tách ra khỏi những thiết bị công nghệ, tách ra sự buồn tẻ riêng tư của cá nhân để tạo dựng nhiều mối quan hệ, kết nối với nhiều người là điều bắt buộc để có thể bước vào một tương lai tươi sáng hơn”, chị Thảo khuyên.
|
Bình luận (0)