Sau khi Bộ Quốc phòng Sri Lanka ra lệnh cho quân đội "bắn ngay lập tức" bất cứ ai phá hoại tài sản công hoặc tấn công quan chức, thì lực lượng cảnh sát tại đất nước cũng được trao quyền tương tự trong ngày 11.5, theo Reuters.
Cùng ngày, Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka P. Nandalal Weerasinghe cho biết ông sẽ từ chức nếu các đảng phái chính trị không thể lập lại ổn định trong vòng 2 tuần tới. Ông nói nếu không có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện tại, ngân hàng sẽ không thể tiến hành các biện pháp để khôi phục nền kinh tế.
Một chiếc xe bị đốt cháy bên ngoài nơi ở của cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa ở Colombo. |
afp |
Người dân Sri Lanka tiếp tục bất chấp lệnh giới nghiêm toàn quốc để biểu tình phản đối chính phủ giữa lúc đất nước trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ năm 1948. Biểu tình đã biến thành bạo lực chết người, buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa phải từ chức và sau đó đến ẩn náu tại một căn cứ hải quân.
Người biểu tình cũng kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai của thủ tướng, từ chức. Từ khi giành độc lập, chưa tổng thống nào từng bị phế truất thành công tại Sri Lanka.
Ngày 11.5, cảnh sát và binh lính đã tuần tra trên đường phố ở Weeraketiya, quê hương của gia đình Rajapaksa, nơi các cửa hàng và doanh nghiệp bị đóng cửa bởi lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài đến sáng 12.5.
Cảnh sát Sri Lanka cho biết, ngoài 38 ngôi nhà của các chính trị gia bị phá hủy, 75 ngôi nhà khác đã bị hư hại, theo CNN. Ít nhất 9 người thiệt mạng kể từ đầu tuần, song không rõ liệu tất cả những người này có liên quan trực tiếp đến biểu tình hay không. Hơn 200 người đã bị thương.
Trả lời NDTV trong ngày 11.5 để giải thích lệnh "bắn ngay lập tức", Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Kamal Gunaratne nói biện pháp này sẽ là biện pháp cuối cùng, chỉ được sử dụng khi không còn biện pháp nào khác.
"Những người vi phạm lệnh giới nghiêm, tham gia biểu tình và liên quan đến bạo lực đều là người Sri Lanka; cảnh sát và lực lượng an ninh cũng vậy. Chúng tôi không muốn bắn vào chính người của mình", ông nói.
Bình luận (0)