Khủng hoảng tuổi trung niên: Hãy đón nhận cơ hội cuộc đời này để sang trang!

Thụy Phương
Nhà khai vấn - đào tạo & Giám đốc Quan hệ đối ngoại Á châu của Modus Operandi International Institute (Pháp)
24/04/2024 19:45 GMT+7

Nếu tất cả chúng ta đều sống mạnh khỏe và minh mẫn đến 80 tuổi thì 40 tuổi báo hiệu rằng ta đã đi được một nửa đường đời: tuổi trẻ đang qua, tuổi già ngấp nghé ! Vì cuộc đời làm sao có thể là một dòng sông phẳng lặng nên các cuộc khủng hoảng trong đời cũng chỉ như những con sóng xô đập vào nhau.

"Làm sao mà tránh được!"

1963 là năm mà khái niệm "khủng hoảng tuổi trung niên" lần đầu tiên xuất hiện trong một nghiên cứu của Eliott Jacques, nhà phân tâm học người Canada. Khủng hoảng tuổi trung niên thường rơi vào quãng 35 - 55 tuổi và nó thường chọn ngưỡng 38 - 39 tuổi để gõ cửa. Ở thời điểm đó, chúng ta, dù là nam hay nữ, bỗng đặt nhiều nghi vấn về đường đời, về các lựa chọn của bản thân và tự vấn về ý nghĩa cuộc đời mình, rồi chất vấn bản thân một cách nghiêm túc trên các phương diện: nghề nghiệp, tình cảm, hôn nhân, gia đình, bạn bè, con cái, tài chính…

Một biến động trong công việc hay một biến cố trong gia đình có thể là nguồn cơn của khủng hoảng, ví dụ: mất việc, phá sản, ly dị, người thân lâm bệnh, cha mẹ qua đời, con cái ra sống riêng, thay đổi diện mạo (rụng tóc, tăng cân, nếp nhăn)… Những chất vấn xuất hiện, kiểu như: "Liệu ta có làm đúng nghề không? Liệu ta đã chọn đúng vợ/chồng chưa? Sinh thêm đứa con này có phải là sai lầm không?"… Thường chúng ta không có lời giải đáp hoặc khó chia sẻ ngay cả với những người thân nhất.

Khủng hoảng tuổi trung niên thường đến một cách từ từ khiến ta có cảm giác đó là một lề quen thói cũ đang đè nặng.

Khủng hoảng tuổi trung niên thường đến một cách từ từ khiến ta có cảm giác đó là một lề quen thói cũ đang đè nặng.

Cuộc khủng hoảng mang tính hiện sinh này có thể chỉ là u buồn thoáng qua nhưng cũng có thể biến thành trầm cảm hay những rối loạn tâm lý gây hệ lụy.

Khủng hoảng thường đến một cách từ từ khiến ta có cảm giác đó là một lề quen thói cũ đang đè nặng. Chúng ta bỗng trở nên khó chịu, cảm thấy trống rỗng, rạn vỡ từ bên trong, thấy mình bất lực, không lối thoát, và thường tặc lưỡi: "Không thay đổi được gì nữa rồi!". Có rất nhiều dấu hiệu để chúng ta tự nhận ra, khá tương đồng ở cả nữ giới và nam giới.

Về tâm trạng, bỗng nhiên ta thờ ơ, chán mọi thứ, chẳng hứng khởi trước bất cứ điều gì. Về thể trạng, ta trở nên ủ rũ, trì trệ, hay mệt, dễ cáu, dễ khóc. Những cơn lo lắng xuất hiện nhiều hơn và lâu hơn, rối loạn giấc ngủ xuất hiện, tăng hoặc giảm cân mạnh… Hoặc bỗng nhiên chúng ta muốn thay đổi tất, nhanh và hoàn toàn. Chán công việc quá: Bỏ! Ngán bạn đời quá: Thay! Ngấy công việc quá: Chuyển! Mà không dự tính trước hệ quả sẽ ra sao: "Kệ, để mai tính!".

Những giai đoạn chuyển giao thường là lúc khó sống nhất và không có gì là vẻ vang. Tương lai khiến chúng ta bối rối còn quá khứ níu kéo chúng ta

Nhà văn Pháp Gustave Flaubert

Ngay cả Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, cũng từng trải qua cơn khủng hoảng trung niên, trùng khớp với sự qua đời của cha ông (năm 1896) khi ông tròn 40 tuổi. Sau biến cố đó, ông chìm vào trầm cảm. Công việc của ông lúc đó gặp nhiều bất lợi, bị các đồng nghiệp cô lập vì cái lý thuyết "paranoïa scientifica". Trong một bức thư gửi bạn thân Wilhelm Fliess năm 1897, Freud viết: "Tôi phải thổ lộ với cậu ngay lập tức một bí mật lớn hé lộ dần dần từ vài tháng nay. Tôi không còn tin vào thuyết neurotica của mình nữa". Bức thư trở nên nổi tiếng sau này vì nó như tờ khai sinh ra ngành phân tâm học. Mất mát, cô đơn, dằn vặt, nghi vấn, đổ vỡ làm nên cơn khủng hoảng đời ông, nhưng cũng từ đó, nó tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp, từ bỏ thuyết quyến rũ để tập trung vào phức cảm Oedipus.

Chúng ta không phải là Sigmund Freud, vậy chúng ta có thể làm những gì để vượt qua khủng hoảng?

Thực ra là một cơ hội…

"Cơ hội quá đi chứ!" vì trước đây nhiều quyết định trong cuộc sống (ngành/trường học, cơ quan, hôn nhân, công việc, vị trí…) của chúng ta bị tác động bởi người khác (cha mẹ, bạn đời, bạn thân, cấp trên, xã hội…). Còn bây giờ, chúng ta độc lập về suy nghĩ và tài chính, đủ trải nghiệm sống nên đây là một giai đoạn bản lề nối giữa phần tuổi trẻ và tuổi già. Là giai đoạn giúp chúng ta suy tư lại về các mục tiêu và ước mơ chưa đạt được, về những thử thách chưa dám chinh phục, về những đam mê chưa bao giờ được sống, thậm chí, nhiều người trong chúng ta còn đi tìm lời giải đáp cho ý nghĩa sự tồn tại của bản thân trong cõi nhân gian.

Chúng ta có nhu cầu "kiểm chứng" lại những gì ta thích - ghét, vui - buồn, những ưu tiên trong cuộc sống… Chính vì thế, nhiều người trong số chúng ta từng ngạc nhiên trước quyết định của một người em họ hay của một chị bạn thân: "Tự nhiên, thằng bé đùng đùng bỏ công việc lương cao để du lịch bụi khắp châu Á" hay "Ai đời đang làm giám đốc nhân sự cho một tổng công ty thế mà bỏ ngang về mở cửa hàng làm bánh ngọt!". Nhưng với chị giám đốc nhân sự đó, đây là quyết định đầu tiên và đúng đắn nhất cuộc đời để chị hiện thực hóa giấc mơ khi còn là một cô sinh viên, là làm chủ một tiệm bánh ngọt.

Đừng bao giờ giữ kín trong lòng một mình sầu muộn và bế tắc!

Đừng bao giờ giữ kín trong lòng một mình sầu muộn và bế tắc!

Hai nhà kinh tế học, David G. Blanchflower và Andrew Oswald đã xuất bản năm 2017 một nghiên cứu dựa vào số liệu từ 1,3 triệu người từ 20 - 90 tuổi thuộc 51 quốc gia. Kết quả cho thấy hạnh phúc của chúng ta mang hình chữ U, nó giảm dần khi chúng ta đạt 40 tuổi và vươn lên ở ngưỡng 50 tuổi. Như vậy, chúng ta cũng không nên nhìn một cách tiêu cực ngưỡng 40 tuổi như đỉnh núi và ngoài 40 tuổi như là sườn đồi bên kia !

Biến cơ hội thành khởi đầu mới

Không phải là mé đồi đi xuống dốc thì biết đâu đây chính là thoải núi mới cần chinh phục và khai phá. Để bước vào hành trình mới này, chúng ta nên ý thức và thực hành những điều sau.

1. Hãy chấp nhận rằng mình đang rơi vào khủng hoảng nhưng đừng chịu đựng nó. Hãy bắt đầu đặt cho mình những câu hỏi và tự trả lời thành thực: "Công việc mình đang làm có ý nghĩa gì không? Mình sống có ích cho ai không nhỉ? Liệu mình có thành công quá nhanh và quá sớm không? Chức vụ mình đang giữ thực sự đem lại cho mình cái gì? Anh ấy yêu mình nhưng mình có hạnh phúc không?"... Vì đặt đúng câu hỏi thì rất có thể một nửa vấn đề đang được tháo gỡ.

2. Biết nhận diện những biểu hiện hay triệu chứng, rồi biểu đạt nó ra với những người thân. Nếu bạn thấy dấu hiệu rơi vào trầm cảm thì hãy đến tham vấn những nhà chuyên môn như nhà trị liệu hay bác sỹ tâm lý. Đừng bao giờ giữ kín trong lòng một mình sầu muộn và bế tắc!

3. Hãy liệt kê những thành tích và thành quả mà bạn đã đạt được trong cuộc sống, công việc, trong các quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, xã hội: "Lần thi đấu đấy, em bị chấn thương, đội thua te tua, nhưng ai cũng tự hào vì trận đấu thể hiện tinh thần đoàn kết tuyệt vời của đội. Đến giờ em vẫn nhớ và vui miên man". Hãy rộng lượng với bản thân hơn là chỉ nghĩ về những thất bại.

4. "Đáng nhẽ em không nên làm như thế… !". Đừng tiếc nuối vì đã "không làm" hay "đã làm". Tiếc nuối kìm giữ chúng ta trong suy nghĩ phiến diện và tiêu cực, nghĩa là nó đang lấy đi năng lượng tích cực. Hãy tập trung vào hiện tại và dự phóng vào tương lai.

5. Lên kế hoạch: đây là cách chúng ta đặt mình vào thế chủ động. Hãy lên kế hoạch từng bước, từ dễ đến khó, mỗi bước ứng với một mục đích cụ thể có thể đạt được để tạo động lực.

Với một số người có thể là chuyển cơ quan, kết hôn, mua nhà hay sinh con. Với những người khác có thể là ly hôn, đi du lịch thật xa, rời thành phố lớn về tỉnh lẻ sống, thực hiện một giấc mơ của tuổi thơ: "Cuối cùng thì anh đã biết lái máy bay. 45 tuổi mới hiện thực hóa được giấc mơ từ thời 5 tuổi. 40 năm, em à!".

Tất nhiên, có những dự định và giấc mơ mà chúng ta không thể hiện thực hóa được nữa. Nhưng có 101 cách để tự tái dựng một cuộc sống như ý hơn. Điều giản dị và dễ thực hiện nhất là hãy làm những gì mình thích, mình hứng thú. Riêng thế thôi, nó đã đem lại tâm trạng tích cực và đẩy lùi thất vọng, chán chường. Và từ thời khắc này trở đi, bạn hãy làm những gì tương hợp với hệ giá trị và những khát vọng thầm kín của bạn.

Cũng đúng thôi các bạn nhỉ?! Lúc 20 tuổi, chúng ta đâu có thấu hiểu bản thân, đâu có nhiều xác tín. Ngoài 40 tuổi, chúng ta có tự do, đặc biệt về tài chính, tự tin hơn, biết mình muốn và không muốn gì. Vậy hãy đón nhận cơ hội cuộc đời này để sang trang! Một bước ngoặt đi vào chiều sâu, tức là một hành trình mới hướng thiện và hướng thiên ở mỗi chúng ta.

Theo nhà tâm lý học Edmond-Marc Lipiansky, Sigmund Freud là minh chứng cho thấy trong cơn khủng hoảng hay trong những biến cố hiện sinh của đời người, chúng ta có thể làm nên những sáng tạo trí tuệ và nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.