Khủng hoảng Ukraine dồn dập leo thang

24/02/2022 05:40 GMT+7

Mỹ cùng một số nước bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi các bên tiếp tục có động thái quân sự mới.

Các biện pháp cấm vận đầu tiên

Úc cùng Nhật Bản ngày 23.2 theo chân Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Đức và Anh áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào Nga đầu tiên kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin hôm 21.2 ký sắc lệnh công nhận 2 khu vực đòi ly khai ở miền đông Ukraine là cộng hòa độc lập. Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ lập tức bắt đầu áp đặt các biện pháp cấm vận lên những cá nhân Nga bị cho là có trách nhiệm về những hành động của Moscow chống lại Ukraine, theo Reuters. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida thì cho hay những biện pháp cấm vận bao gồm cấm phát hành trái phiếu Nga ở Nhật và đóng băng tài sản ở Nhật của một số cá nhân người Nga, theo Reuters.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một bệnh viện dã chiến và việc triển khai binh sĩ ở TP.Belgorod, Nga ngày 22.2

Reuters

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo “phần đầu tiên” của các lệnh cấm vận, bao gồm những bước cô lập Moscow về tài chính và nhắm tới các tổ chức tài chính cũng như những thành phần “ưu tú” của Nga, theo AFP. Tương tự, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cấm người Canada mua nợ chính phủ của Nga. Và chúng tôi sẽ áp dụng thêm các lệnh cấm vận lên những ngân hàng Nga được nhà nước hậu thuẫn và ngăn chặn mọi giao dịch tài chính với họ”. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov viết trên Facebook rằng những lệnh cấm vận do Mỹ dẫn đầu sẽ “làm tổn hại các thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu”, và dân thường ở Mỹ sẽ gánh những “hậu quả của giá cả leo thang”, theo AFP.

Động thái quân sự mới

Ngoài việc áp đặt các biện pháp cấm vận mới, Mỹ và Canada còn tăng cường hiện diện quân sự gần Nga. Tổng thống Biden ngày 22.2 cho hay ông đang chỉ đạo tái bố trí một số lực lượng và thiết bị quân sự Mỹ ở châu Âu đến các nước vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Những lực lượng này sẽ được điều tới các vị trí dọc sườn phía đông nam và đông bắc của NATO, gồm có 800 binh sĩ, 8 chiến đấu cơ F-35 và 32 trực thăng tấn công AH-64 Apache, theo Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ. Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau cho hay khoảng 460 binh sĩ Canada sẽ đến Latvia, nâng tổng số binh sĩ Canada đóng tại Latvia lên 1.000.

Tổng thống Putin nêu điều kiện gì để giải tỏa khủng hoảng Ukraine? (có sub)

Trong khi đó, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) của Nga ngày 22.2 thông qua đề xuất từ Tổng thống Putin về việc đưa quân ra nước ngoài, nhằm hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Hôm qua, Tổng thống Putin ca ngợi khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga và tuyên bố nước này sẽ tiếp tục phát triển vũ khí tiên tiến, theo AFP. Mặt khác, ông Putin nhấn mạnh Moscow sẵn sàng tìm kiếm “giải pháp ngoại giao” nhằm hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây, nhưng những lợi ích của Nga và an ninh của công dân nước này là không thể đàm phán. Bộ Ngoại giao Nga hôm 22.2 đã thông báo chuẩn bị rút nhân viên khỏi Ukraine, cáo buộc chính quyền Kiev không tuân thủ cam kết quốc tế để đảm bảo sự an toàn và an ninh cho đoàn ngoại giao Nga tại nước này.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ukraine hôm qua kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Nga ngay lập tức, viện dẫn mối đe dọa về hành động của Moscow, theo AFP. Cùng ngày, các lực lượng vũ trang Ukraine bắt đầu bắt buộc lực lượng dự bị nhập ngũ theo sắc lệnh do Tổng thống Volodymyr Zelensky ký ngày 22.2.

Việt Nam thông tin việc bảo hộ công dân ở Ukraine

Ngày 23.2, trả lời về phản ứng của Việt Nam về diễn biến tình hình ở Ukraine hiện nay và công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine. Việt Nam cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao.

Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, bà Hằng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Theo Đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định.

Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.