Khủng hoảng Ukraine: Ông Putin ra điều kiện

23/02/2022 11:24 GMT+7

Tình hình xung quanh Ukraine có thể giải quyết nếu phương Tây thực hiện các bước phi quân sự hóa ở nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu điều kiện cho Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Putin trả lời phóng viên trong cuộc họp báo tại Điện Kremlin hôm 22.2

afp

Trả lời phỏng vấn báo giới trước thềm cuộc đối thoại với người đồng cấp Ilham Aliyev của Azerbaija, Tổng thống Putin nêu những điều kiện có thể tạo nên lối thoát cho tình hình xung quanh Ukraine. Đó là phương Tây ngừng ngay việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, đồng thời chính quyền Kiev phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

Yêu sách của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Nga tiến hành công nhận độc lập cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR). Đây là hai vùng đòi ly khai khỏi Ukraine ở miền đông nước này.

Nhà lãnh đạo Putin cũng nhấn mạnh Nga sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR), thêm rằng việc triển khai lực lượng tại Donbass sẽ chưa được công bố vào thời điểm này.

Dàn xếp liên quan Ukraine

Để làm dịu tình hình, các quốc gia phương Tây đầu tiên và trên hết phải công nhận mong muốn của người dân Crimea liên quan đến việc sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

Kế đến, Moscow đề xuất cơ hội để Ukraine tự nguyện từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Điều này sẽ duy trì trạng thái trung lập của Ukraine.

Nga yêu cầu phương Tây “ngừng ngay việc cung cấp vũ khí hiện đại cho chính quyền Kiev”. “Do vậy, điểm chính yếu ở đây là phi quân sự hóa Ukraine ở một mức độ nhất định, vì đây là yếu tố khách quan duy nhất có thể kiểm soát được, cho phép các bên giám sát”, Tổng thống Putin cho biết,

Nga cũng không thể cho phép Ukraine khôi phục lại vị thế hạt nhân, vốn là điều chính quyền Kiev đang đề cập trong thời gian gần đây. “Ngay cả việc Ukraine tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật đồng nghĩa với mối đe dọa cho Nga”, chủ nhân Điện Kremlin chỉ ra.

Tổng thống Biden công bố lệnh cấm vận Nga

Số phận của Thỏa thuận hòa bình Minsk

Dựa trên thực tế đã diễn ra, Thỏa thuận hòa bình Minsk (ký kết năm 2014) thật sự không còn cần phải tồn tại theo sau việc Nga công nhập độc lập cho các thế lực ly khai ở vùng Donbass.

“Thỏa thuận Minsk đã bị giết chết từ lâu trước khi Nga công nhận độc lập cho người dân ở DPR và LPR. Người Nga không phải là kẻ gây ra chuyện đó, cũng như các đại diện của DPR, LPR, mà chính là chính quyền Kiev”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Sau khi Nga công nhận độc lập cho hai khu vực ly khai tại Donbass, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm vận Nga với những điều khoản cô lập Moscow về tài chính.

Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy họp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov liên quan đến việc trù bị cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin.

Liên minh châu Âu và nhiều nước khác lần lượt công bố lệnh cấm vận nhằm vào Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.