Mới đây, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã có công văn gửi hội đồng các cấp, cơ sở có đào tạo tiến sĩ, nêu một số yêu cầu đảm bảo chất lượng xét ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, khuyến cáo xem xét kỹ công trình nghiên cứu khoa học có sự trợ giúp của công cụ AI, tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này. Với riêng yêu cầu này, dư luận trong giới khoa học có nhiều ý kiến trái chiều.
VẤN ĐỀ MỞ, HẤP DẪN, ĐÁNG THẢO LUẬN
Theo tiến sĩ (TS) Nguyễn Bảo Huy, giảng viên Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội), AI phát triển mạnh tạo ra những vấn đề mới cần được cộng đồng khoa học xem xét, thảo luận, đánh giá. Một trong những vấn đề đang nóng hiện nay là tính liêm chính khoa học của những công trình được thực hiện (hoặc được viết) với sự hỗ trợ của AI.
Phản ứng của cộng đồng khoa học quốc tế với vấn đề này khá thụ động và tiêu cực. Một số tạp chí nhanh chóng cấm đề tên các mô hình AI (như ChatGPT) làm đồng tác giả. Một số tạp chí còn cấm việc dùng AI hỗ trợ viết bài báo. Bản thân các nhà phát triển mô hình AI cũng đưa ra các công cụ kiểm tra xem văn bản là do người viết hay máy viết. Những phản ứng này có điểm chung ở quan điểm rằng, dùng AI hỗ trợ nghiên cứu và viết bài là không hợp lệ. "Tuy nhiên, thực sự việc sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ có vi phạm liêm chính khoa học không? Giới hạn nào cho việc này? Đây là những vấn đề cần thảo luận và xem xét nghiêm túc", TS Huy đặt vấn đề.
Một động thái "bắt trend" ?
Nhiều nhà khoa học cho rằng yêu cầu của Hội đồng Giáo sư nhà nước về xem xét công trình sử dụng công cụ AI là động thái có tính "bắt trend" mà không tính đến khả năng thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều hội đồng được giới khoa học đánh giá là chất lượng rất thấp.
Theo TS Lê Đông Phương, một chuyên gia độc lập nghiên cứu lĩnh vực giáo dục ĐH, từ góc độ gian lận học thuật thì cần phải xem xét, nhưng có nghiêm trọng đến mức độ phải đưa vào văn bản ở thời điểm này hay không thì ông vẫn thấy băn khoăn. Việc dùng AI để gian lận hay không, không dễ phát hiện. TS Phương nói: "Chẳng hạn, nhờ một công cụ AI tôi có một bài tóm tắt chừng nửa trang tiếng Anh, tôi dịch sang tiếng Việt, diễn đạt lại theo cách của mình và đưa đoạn đó vào một bài viết đăng trên một tạp chí tiếng Việt (được tính điểm), thì liệu có hội đồng nào truy ngược được lại để phát hiện ra hành vi gian lận của tôi? Cho nên yêu cầu này là khó khả thi. Đặc biệt, qua các trường hợp gian lận đã và đang bị phơi bày cho thấy, nhiều hội đồng của chúng ta đã thể hiện rõ sự thiếu năng lực".
TS Nguyễn Bảo Huy cũng cho rằng việc đánh giá khoa học ở VN có nhiều vấn đề đáng xem xét hơn việc này. Vì vậy, đặt ra vấn đề xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của AI là không cần thiết, lạc hướng những chủ đề đáng quan tâm khác.
Theo phân tích của TS Huy, các nhà khoa học hiện nay có khá nhiều công cụ hỗ trợ trong nghiên cứu và công bố. Khi viết bản thảo, người ta thường xuyên sử dụng các công cụ kiểm tra, sửa lỗi chính tả và ngữ pháp; có những công cụ cho phép gợi ý cách viết tốt hơn cho một số câu văn. Bản thân những công cụ này có thể cũng chứa đựng những công nghệ học máy. Ngay cả khi làm nghiên cứu, nhà khoa học cũng có nhiều hỗ trợ. Những mô hình AI đang nổi hiện nay chỉ cung cấp những sự hỗ trợ một cách tập trung hơn, nhiều hơn, giải phóng con người nhiều hơn khỏi các tác vụ tủn mủn.
"Quay lại chuyện hỗ trợ viết bài báo, nhiều trường ĐH và nhà xuất bản còn có dịch vụ hỗ trợ sửa bản thảo bài báo để bản thảo được viết tốt hơn, dễ được nhận đăng hơn. Dịch vụ này hoàn toàn hợp lệ. Vậy tại sao nhờ "human intelligence" (trí tuệ con người - tạm dịch) thì được còn dùng "artificial intelligence" (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ viết bài thì lại không được? Nói như vậy không phải để cổ vũ việc dùng AI làm thay con người, sẽ cần định ra một giới hạn nào đó. Đây là một vấn đề mở, hấp dẫn, đáng thảo luận", TS Huy nêu vấn đề.
PHẢN ỨNG NHANH VÀ TÍCH CỰC ?
GS Phùng Hồ Hải (Viện Toán học Việt Nam) nhận xét: "Về nguyên tắc, công trình khoa học được phép dựa trên những kết quả, ý kiến, quan điểm… khoa học đã từng có từ trước đến nay. Isaac Newton từng nói: "Nếu tôi có thể nhìn xa hơn thì đó là bằng cách đứng trên vai của những người khổng lồ". Ai cũng có quyền đứng trên vai "người khổng lồ", vấn đề là anh phải công khai "người khổng lồ", tức là công khai nguồn mà anh trích dẫn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, "người khổng lồ" không chỉ là nhà khoa học mà còn là công nghệ, bao gồm các công cụ AI. Cho nên, giả sử trong công trình của nhà khoa học A có sử dụng một đoạn tổng hợp tư liệu do AI hỗ trợ thì họ cần phải nêu nguồn là từ AI. Nếu làm thế thì anh A không vi phạm liêm chính khoa học. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ có thể đánh giá thông tin họ lấy từ nguồn AI cung cấp là đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, mà đây là trách nhiệm của hội đồng, của tạp chí (phản biện trước khi đăng bài)".
Nhưng GS Hải cho rằng, theo cách hiểu của ông, công văn của Hội đồng Giáo sư nhà nước là cảnh báo nguy cơ thiếu liêm chính khi nhà khoa học sử dụng AI, chứ không có ý cấm sử dụng AI (bởi nếu cấm thì cũng không cấm được). "Việc Hội đồng Giáo sư nhà nước có sự phản ứng nhanh trước sự ảnh hưởng của AI tới liêm chính khoa học là tốt. Đó là một cách thức cảnh báo với tất cả cộng đồng khoa học về nguy cơ vi phạm liêm chính khoa học khi sử dụng AI, chứ không phải là việc sử dụng AI như một vấn đề độc lập. Nhưng quá trình triển khai thực hiện như thế nào thì cần cân nhắc cho phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học, công nghệ", GS Hải chia sẻ.
Bình luận (0)