Khuyến khích cán bộ từ chức nếu có sai lầm, uy tín giảm sút

24/11/2021 04:33 GMT+7

Đó là nội dung đáng chú ý được ông Võ Văn Thưởng , Ủy viên Bộ Chính trị , Thường trực Ban Bí thư, nêu ra tại hội nghị tiếp xúc cử tri TP.Đà Nẵng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào hôm qua (23.11).

Tại buổi tiếp xúc, tiếp thu, giải trình ý kiến cử tri xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN), Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng luôn coi công tác PCTN, tiêu cực là vấn đề sống còn. Ông Thưởng khẳng định, PCTN hiện nay là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngưng nghỉ và trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lập pháp, trong xây dựng pháp luật. Quốc hội cũng đã nhấn mạnh việc không được để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách. Không được để các bộ ngành, cơ quan trong quá trình xây dựng luật, chính sách cài cắm lợi ích của tập thể, cơ quan mình vào các văn bản chính sách.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tiếp thu, giải trình các ý kiến của cử tri TP.Đà Nẵng

Hoàng Sơn

Theo ông Thưởng, những quy định của Đảng sau Đại hội 13 cũng theo hướng đổi mới, chặt chẽ, rõ ràng, tính khả thi và tính phòng ngừa cao; hướng tới việc nếu cán bộ nào có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. “Đồng thời phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức Đảng và cơ quan để cán bộ phải từ chức khi uy tín của cán bộ đó giảm sút, không chờ đến hết nhiệm kỳ… Luôn hướng tới xây dựng quy chế để làm sao cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng. Thực ra, phải hướng nhiều vào việc không dám tham nhũng. Hình phạt trừng trị phải nặng, phải đúng mức để người ta không dám tham nhũng”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến những vướng mắc của TP.Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư nhận định, trong quá trình phát triển TP.Đà Nẵng đạt được thành tích rất lớn nhưng cũng có rất nhiều thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm. Để khắc phục, tháo gỡ các vấn đề này đòi hỏi sự kiên trì, tích cực và phối hợp giữa cơ quan T.Ư và TP, đặc biệt là trong việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thực hiện các bản án đã có hiệu lực. Giải quyết vấn đề này phải căn cứ lịch sử của quá trình sử dụng đất, kinh nghiệm thực tế và phải nằm trong mối quan hệ với các địa phương có vấn đề tương tự. “Có nhiều vấn đề Đà Nẵng nêu lên, nếu được giải quyết không chỉ có tác dụng cho Đà Nẵng mà còn có tác dụng cho các địa phương khác… Vậy, phối hợp với nhau để giải quyết như thế nào, đòi hỏi Đà Nẵng phải cố gắng và cơ quan T.Ư phải tích cực chuẩn bị”, ông Thưởng nói.

Thường trực Ban Bí thư cũng thông tin, trong thời gian qua, các kỳ họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực, vấn đề của TP.Đà Nẵng đã được nêu ra và đã giao các cơ quan nghiên cứu giải quyết, tháo gỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.