Khuyến mãi khủng có làm 'bật' sức mua?

04/12/2024 04:19 GMT+7

Với mức khuyến mãi tối đa lên đến 100%, người tiêu dùng đang kỳ vọng được sắm sửa tết với chi phí tiết kiệm, doanh nghiệp thì kỳ vọng doanh số bán hàng 'bùng cháy' trong tháng cuối năm.

Kỳ vọng tăng doanh số

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP hạt điều Hải Bình Gia Lai, cho biết trước đây tỷ lệ khuyến mại giới hạn không quá mức 50% do cấp quản lý e ngại doanh nghiệp (DN) đưa vào chi phí sản xuất, gây cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, nhiều DN có nhu cầu giảm giá tối đa nhằm giải quyết hàng tồn, thậm chí bán hòa vốn, chỉ cần có thanh khoản để xoay vòng vốn, mua nguyên vật liệu…

Khuyến mãi khủng có làm 'bật' sức mua?- Ảnh 1.

Hàng hóa ngập quầy kệ, giá khuyến mãi giảm hàng loạt, nhưng người mua còn khá thưa thớt

ẢNH: LAM NGHI

Thương mại, dịch vụ, du lịch đã có sự phục hồi tích cực. Tuy nhiên tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột quân sự leo thang ở một số khu vực; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều ở các quốc gia, khu vực. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, song còn đó nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lụt gây ra ở nhiều địa phương, điều này ảnh hưởng đến sức mua của người dân...

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

"Nay tỷ lệ khuyến mãi được nâng lên 100%, chúng tôi có thể tính toán, chủ động trong đưa ra kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, đẩy mạnh việc bán hàng Tết Nguyên đán, giải phóng được hàng tồn. Trong sản xuất kinh doanh, sợ nhất là hàng tồn đọng, vốn "chết" trong kho. Thế nên, có thể khuyến mại 100%, đẩy được hàng hóa đi, thu hồi ít vốn cũng quan trọng", ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm chia sẻ nhưng cũng lưu ý hình thức kinh doanh và chi phí dành cho khuyến mại của DN nay khác trước rất nhiều, nên nhà sản xuất cũng cần cân nhắc kỹ trước quyết định "chơi lớn", bán hàng mua 1 tặng 1, bởi nếu lạm dụng hình thức này thì chỉ lỗ đến lỗ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, cho rằng việc tăng mức khuyến mại cho phép của DN lên 100% là "cơ hội vàng cho nhiều nhà sản xuất giải phóng hàng tồn kho". Bởi ngoại trừ các mặt hàng gây sốt liên tục, sản xuất không kịp để bán, hoặc hàng sử dụng trong thời gian ngắn, ít được sản xuất dự trữ thì đa số DN vào dịp cuối năm, đều muốn hạ giá để đẩy hàng tồn. Phố biến nhất là hàng may mặc, giày dép, thậm chí các mặt hàng sữa, bánh, thực phẩm, gia vị... đều có nhu cầu "chạy đát". Thế nên, quy định mới cho phép khuyến mại lên 100% là chính sách đôi bên cùng có lợi. DN đẩy được hàng tồn, người tiêu dùng mua được hàng giá rẻ.

"Năm qua, tiêu thụ hàng hóa trong nước không có sự tăng đột biến, nhiều DN sản xuất thu hẹp, co cụm bớt, song nhu cầu đẩy mạnh bán hàng tăng vào tháng cuối năm đều có. Tôi nghĩ chính sách mới này sẽ giúp kích cầu đáng kể", ông Quang Anh nhận định.

Về phía nhà phân phối, theo đại diện WinMart, hệ thống siêu thị đang có chương trình giảm sốc lên tới 50%, mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1… nhân dịp WinMart tròn 10 tuổi. WinMart dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng từ nay cho tới Tết Nguyên đán, khoảng hơn 20% so với các tháng thường.

"Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tháng cuối năm, chúng tôi đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tươi sống và thực phẩm thiết yếu; chủ động hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhằm bảo đảm giá cả và nguồn hàng trong hệ thống luôn ổn định. Hội viên của WinMart được ưu đãi 20% cho các sản phẩm rau sạch WinEco và thịt mát MeatDeli từ nay tới cuối năm", đại diện WinMart cho hay.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông tập đoàn Central Retail Việt Nam (sở hữu hệ thống bán lẻ Go!, Big C, Tops Market…), cho biết chương trình khuyến mại của DN có hơn 2.000 sản phẩm luôn rẻ hơn giá thị trường nhằm thu hút khách hàng mua sắm trong mùa cao điểm cuối năm. Hệ thống chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng dự trữ tăng từ 10 - 25%.

"Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào sức mua cuối năm. Trước khi có chương trình khuyến mại lớn của Bộ Công thương phát động, sức mua đã và đang nhích dần từng ngày, tăng trưởng đạt trên 2 con số, mạnh nhất là các siêu thị ở miền Bắc. Tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng nhanh chuyên phục vụ nhu cầu cuối năm như: bia rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây, đồ trang trí Noel… Theo tôi, nhờ sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế; tâm lý tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, cộng thêm loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn vào dịp cuối năm… sẽ góp phần kích thích nhu cầu mua sắm", bà Bích Vân nói.

Người tiêu dùng cũng chờ đợi

Ở thời điểm hiện tại, sức mua trên thị trường vẫn khá mỏng. Khảo sát thực tế một số siêu thị và chợ, không khí khá ảm đạm dù các chương trình khuyến mãi thường niên vẫn đang được áp dụng.

Tại siêu thị Lotte Mart (Q.11, TP.HCM), vào khung giờ cao điểm của người nội trợ, lúc 9 - 10 giờ sáng 3.12, người mua sắm khá thưa thớt. Bà Phạm Thị Hoàng (ngụ Q.11, TP.HCM), là người luôn chọn siêu thị mua rau củ quả, cá thịt vào mỗi buổi sáng, cho biết: "Cả năm nay tháng nào cũng có chương trình khuyến mại. Tháng 5 có chương trình khuyến mại, sang tháng 7 khuyến mại tập trung bán cho mùa hè, du lịch. Với hàng hóa thiết yếu, tuần này giảm giá xà bông, nước rửa chén, tuần sau nước mắm, hạt nêm. Thực phẩm rau quả thì ít giảm mạnh, có chăng tại quầy chuyên tập trung hàng cũ. Chỉ có thịt heo thì vài mặt hàng thuộc giá bình ổn rồi, coi như đã giảm. Nếu có khuyến mãi lên đến 100%, kiểu mua 1 tặng 1, tôi nghĩ sẽ nhiều người hứng khởi mua sắm hơn hiện nay. Tôi cũng vậy".

Tại siêu thị Co.opMart Extra (Q.10, TP.HCM), vào khung giờ trưa, khách mua sắm cũng khá vắng trong khi quầy kệ nào cũng dán bảng giá khuyến mại màu vàng. Trả lời Thanh Niên, bà Thanh Lan (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết tin mà bà quan tâm nhất trong 2 ngày qua là người tiêu dùng có thể mua được hàng giảm đến 100%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc có thể mua được hàng hóa thiết yếu với giá càng rẻ, càng tốt.

Quan sát của chúng tôi cho thấy, với nhóm hàng đồ khô, chỉ có mặt hàng mật ong của Công ty Ong mật TP.HCM đang "chạy" chương trình giảm 100%, mua 1 tặng 1 chai mật ong tương đương. Còn lại, hàng hóa phục vụ tết chưa thấy nhiều, giá cả vẫn đang bán kiểu "giảm giá quanh năm", chưa thấy sự nổi bật, giảm sốc gây sự chú ý cho khách hàng.

"Chương trình khuyến mại tập trung do được tổ chức thường xuyên, nên nói mong chờ đến dịp này để mua sắm thì không. Nhưng nhu cầu sắm sửa, ăn uống tháng cận tết sẽ tăng, nên chắc chắn sẽ tăng mua hơn, trong nhu cầu cho phép", chị Diệu Hồng, đang mua sắm tại Co.opMart Sư Vạn Hạnh, chia sẻ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét cùng với thay đổi xu hướng tiêu dùng, DN Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng. Thêm vào đó, phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc giá rẻ. Hiện các mặt hàng Trung Quốc đi rất sâu vào tất cả các ngóc ngách tiếp cận người tiêu dùng nội địa.

"Đối với không ít người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, muốn chinh phục họ thì giá rẻ vẫn là yêu cầu đầu tiên. Ngoài bài toán cạnh tranh làm sao để kiểm soát giá cả, thay đổi những điều kiện bán hàng thì DN còn phải chú ý đến yếu tố bám sát nhu cầu thị trường từng giai đoạn. Đồng thời, cần tìm ra được ngách cạnh tranh những điểm tạo khác biệt, sản phẩm mang đặc tính địa phương để cạnh tranh với hàng ngoại trên sân nhà", bà Hạnh lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.