Thỉnh thoảng, vài người dẫn theo em bé vào dạo chơi và chỉ đi ngang qua mà không hề đặt chân vào cửa hàng.
Mùa mua sắm cuối năm nay các chợ sỉ, lẻ tại TP.HCM khá vắng khách |
Ng.Nga |
Những tưởng khách hàng ngại đi siêu thị, nhưng ở các tuyến đường vốn được mệnh danh là “phố thời trang” như Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi… không khí mua sắm cũng đìu hiu. Những bảng hiệu giảm giá 50%, 70% vẫn còn treo đầy cửa nhưng nhiều cửa hàng không có khách, khác xa với cảnh nhộn nhịp trong không khí se se lạnh của những ngày cuối năm trước đây.
Trước đó từ tuần cuối tháng 11, các cửa hàng, trung tâm thương mại đã chộn rộn treo bảng giảm giá, “sale off” hàng loạt sản phẩm khác nhau và nhiều nơi còn kéo dài trong tháng 12 theo chương trình khuyến mại tập trung của Bộ Công thương phát động. Thế nhưng, ghi nhận thực tế, thậm chí ngày Black Friday vừa qua (26.11), nhiều cửa hàng tại TP.HCM cũng không còn tình trạng người mua chen lấn như các năm trước.
Không chỉ sức mua trong nước còn thấp, ngay cả những dịch vụ nhận đặt hàng từ nước ngoài cũng sụt giảm mạnh. Chị Vân Kha, chủ dịch vụ Puka, chuyên nhận mua hàng từ nhiều nước, cho hay dịp Black Friday năm nay số lượng đơn đặt hàng giảm gần một nửa so với năm trước. Nhiều người hạn chế mua sắm quần áo, mỹ phẩm vì bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chẳng hạn trước đây một chai nước hoa được giảm còn hơn 800.000 đồng, nhiều người đã “chốt đơn” ầm ầm thì năm nay giảm còn 500.000 - 600.000 đồng cũng rất ít người mua.
“Nói chung là số lượng mua giảm mạnh. Mọi người tiết kiệm hơn nhiều. Giờ thực phẩm ăn uống và thêm sản phẩm để tăng cường đề kháng cho cơ thể thì mới bán được nhiều”, chị Vân Kha chia sẻ thêm. Giám đốc Công ty thời trang Ngọc Sương (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết để giải phóng kho hàng tồn, công ty đang giảm sâu nhất 50% chỉ để mong lấy lại vốn. Tuy nhiên, hàng tồn hơn 6.000 sản phẩm, mới bán được 2.000 cái với mức giảm giá khủng, trong kho vẫn tồn hơn 4.000 sản phẩm.
“Thực tế, lực mua vẫn còn yếu, nên giải pháp giảm giá chưa phải tối ưu. Tạo cơ hội tăng công ăn việc làm cho công nhân tăng thu nhập thì sức mua mới tăng được. Đó là giải pháp lâu dài về phía chính quyền”, đại diện công ty trên nói. Thực tế, mức khuyến mại cho phép lên đến 100% đã bắt đầu được áp dụng từ năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa có công ty, cửa hàng nào trưng bảng giá tuyên bố khuyến mại 100%, mức cao nhất theo ghi nhận cũng chỉ 79%.
Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cho biết rất khó để doanh nghiệp đưa ra mức giảm giá lên đến 100%. Nếu có chủ yếu để dọn kho đối với một số ít mẫu mã quá cũ, hàng tồn lâu... Điều đó cũng không hấp dẫn người dùng thay vì giảm 50% cho nhiều sản phẩm.
Chuyên gia về bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định để kích cầu hiệu quả thì trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ, chi tiết và dễ nhận biết. Những mặt hàng được giảm giá phải thiết thực hơn, nhằm vào những sản phẩm thiết yếu, phù hợp với điều kiện sức mua xã hội còn thấp. Đồng thời, chương trình khuyến mại phải tạo thành những đợt thường xuyên trong năm để khách hàng gần xa lui tới mua hàng.
Vừa qua, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho hay đơn vị chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của người tiêu dùng về sự chênh lệch giữa giá hàng giảm khuyến mại với chất lượng sản phẩm qua hình thức mua bán trực tiếp, hoặc mua online với những nhãn hàng thương hiệu rõ ràng.
Bình luận (0)