Lên phương án đón học sinh trở lại trường từ đầu tháng 10
Huyện uỷ H.Ba Vì mới có văn bản chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện và phương án phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ dạy và học của các trường học trên địa bàn huyện. Theo văn bản này, dự kiến học sinh Ba Vì sẽ trở trường từ đầu tháng 10 tới theo chỉ đạo của thành phố.
Do vậy, Thường trực Huyện uỷ Ba Vì yêu cầu UBND huyện chỉ đạo, có giải pháp pháp như tăng ca, tăng nhân lực… để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án sửa chữa, xây dựng trường lớp học trên địa bàn, sớm hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Phòng GD-ĐT và các nhà trường ở H.Ba Vì được yêu cầu khẩn trương tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trường lớp học, các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; xây dựng phương án phòng chống dịch tại các nhà trường, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học khi có chỉ đạo của thành phố.
H.Ba Vì cũng yêu cầu rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu trang thiết bị học tập để có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo học sinh đến trường với đầy đủ trang thiết bị học tập.
Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng GD-ĐT H.Sóc Sơn cho biết ngay từ đầu năm học, địa phương này đã có 3 kịch bản học tập khi áp dụng Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 và khi trở lại trạng thái bình thường mới. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng phương án, đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch. Do đó, bà Huế chia sẻ quan điểm sẽ rất hợp tình hợp lý nếu thí điểm các lớp 1, 2, 6, 9, 12 đi học trước. Các lớp sẽ chia đôi học hai ca sáng, chiều để đảm bảo giãn cách.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Quốc Oai cũng cho biết mong muốn cho học sinh đi học trực tiếp dần từng khối lớp, trong đó ưu tiên lớp 1, 2, 6, 9, 12 và khẳng định nếu học sinh đi học trở lại, chắc chắn các trường phải tuân thủ biện pháp an toàn phòng chống dịch.
|
Các trường học nội thành nói gì?
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho rằng: "Phụ huynh Hà Nội ai cũng mong con được đến trường học tập trực tiếp, vì đã gần 5 tháng ở nhà nhưng cũng lo cho sự an toàn của các con".
Về 1 trong các kịch bản tổ chức cho học sinh lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 ở "vùng xanh" được đến trường trước, ông Khang phân tích: phương án này có yếu tố tích cực, tuy nhiên một số trường có thể không thực hiện do gặp nhiều khó khăn, cụ thể: hoạt động của một trường cần sự đồng bộ về thời khoá biểu, về giáo viên, về xe đưa đón, về ăn uống...
Nếu chỉ một số khối lớp đến trường, một số khối lớp khác ở nhà thì trường phải có 2 thời khoá biểu: dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Giáo viên được phân công giảng dạy ở nhiều lớp khác nhau, lớp thì học trực tiếp, lớp thì học trực tuyến... sẽ rất phức tạp. Do đó, ông Khang cho rằng "kịch bản" cho một số khối lớp đi học trước không được phù hợp với thực tiễn ở tất cả các trường.
Ông Khang dẫn chứng năm ngoái, sau đợt 1 giãn cách xã hội, học sinh Hà Nội được trở lại trường vào ngày 4.5.2020, nhưng phải thực hiện theo "kịch bản": trường chia làm 2, một nửa học thứ 2, 4, 6 và nửa còn lại học thứ 3, 5, 7; một lớp chia làm 2, mỗi nửa học một phòng cạnh nhau. Ví dụ, có trường THPT công lập có 47 lớp đã chia thành 94 lớp nhỏ, mỗi lớp học 3 buổi/tuần. Số giờ dạy của giáo viên tăng lên gấp đôi, vô cùng vất vả và phức tạp. Vì thế "kịch bản" đó chỉ diễn ra trong 1 ngày, ngay ngày hôm sau phải trở về bình thường như vốn có.
Do vậy, ông Khang đề xuất: các “vùng xanh” của Hà Nội kiểm soát dịch rất tốt cho thì cho tất cả học sinh đi học trước, 9 quận nội thành, (vùng vàng, vùng đỏ), học sinh tạm thời ở nhà học trực tuyến. Sau 1 - 2 tuần theo dõi diễn biến dịch bệnh và tâm lý phụ huynh vùng xanh, nếu ổn và các vùng vàng, vùng đỏ đã kiểm soát được dịch thì cho học sinh đến trường. Đã được đến trường thì học sinh không chia khối, chia lớp.
Trước thông tin chuẩn bị trở lại trường học, cách đây vài ngày, Trường liên cấp Lô mô nô xốp đã tiến hành một cuộc khảo sát với 2.530 học sinh trên toàn trường. Có 2.190 phụ huynh phản hồi, trong đó có 62% đồng ý cho học sinh đi học trở lại, 32,4% phụ huynh còn băn khoăn và 5,4% chưa muốn cho học sinh đi học trở lại trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường này, cho hay với 32,4% phụ huynh học sinh còn băn khoăn, nghĩa là các gia đình vẫn chưa yên tâm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
|
Tiêu chí trường học an toàn cần rõ hơn
Nhiều ý kiến cho rằng, ở các quận nội thành, nếu việc phân vùng để coi đó là “vùng xanh” sẽ phức tạp hơn nhiều vì học sinh các trường tư thục và trường THPT sẽ không chỉ học ở các trường đóng trên địa bàn phường hoặc quận mà mình cư trú.
Do vậy, cho phép học sinh vùng xanh đến trường cần làm rõ là học sinh sinh sống ở vùng xanh được đến các trường ở vùng xanh, hay tất cả các học sinh ở sinh sống ở vùng xanh và vùng đỏ được đến trường ở các vùng xanh?
Có ý kiến thì đề nghị trong các tiêu chí trường học an toàn mà Sở GD-ĐT đang dự thảo, khi nước ta chưa tiêm vắc xin cho trẻ em thì cần có điều kiện liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhà giáo và cho cả phụ huynh của học sinh, cam kết của gia đình về việc phòng ngừa dịch bệnh…
Có ý kiến đề nghị các nhà trường cần được cung cấp dụng cụ test nhanh để lẫy mẫu ngẫu nhiên cho học sinh trong mỗi tuần để phát hiện sớm và phòng dịch phù hợp.
Phụ huynh dù còn lo lắng nhưng nhiều ý kiến đều cho rằng diễn biến dịch và cách ứng phó trên toàn cầu đã thay đổi căn bản và các nước đều phải tìm biện pháp sống chung, không thể vì cứ thấy vẫn còn ca F0 trong cộng đồng mà “nhốt” con trong nhà chờ đợi và cũng không biết chờ đến bao giờ. Tuy nhiên, để trẻ đến trường an toàn thì rất cần các cấp lãnh đạo có phương án linh hoạt, có kịch bản chi tiết để ứng phó với dịch bệnh.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khi báo cáo với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về tình hình dạy học hiện nay, đã cho biết 100% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT đang dạy học trực tuyến với 100% học sinh tham gia.
Sở GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 và báo cáo UBND thành phố. Trong những kịch bản này có việc tổ chức cho học sinh lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 ở vùng xanh được đến tường học tập.
|
Bình luận (0)