Kịch bản Đà Nẵng 'ai ở đâu ở yên chỗ nấy': Đưa hàng hóa đến người dân thế nào?

13/08/2021 12:16 GMT+7

Ngày 13.8, các ngành tại Đà Nẵng cho biết đang tích cực phối hợp hoàn tất 5 bước đưa hàng hóa đến tận tay người dân, dự kiến trong tình huống phải siết chặt biện pháp phòng chống Covid-19 'ai ở đâu ở yên chỗ nấy'.

Trước đó (12.8), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng chặt chẽ quy trình cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Đặc biệt, phải bảo đảm thực hiện thuận lợi và thông suốt trong trường hợp thành phố triển khai biện pháp mạnh hơn để chống dịch Covid-19.
Cụ thể, các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ thực phẩm theo 5 bước từ nhà cung ứng đến tận tay người dân. Đó là quy trình cung ứng hàng hóa từ ngoài vào thành phố; nhà cung ứng tổng; vận chuyển đến quận, huyện, phường, xã; từ phường, xã đến khu dân cư và từ khu dân cư đến người dân.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, trong mỗi bước phải đặt ra những yêu cầu cụ thể và khả năng thực hiện để kịp thời thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Rút kinh nghiệm từ Sơn Trà

Qua gần 2 tuần giãn cách, nhiều nơi vẫn đang ở mức phong tỏa nghiêm ngặt. Thực tế tại Sơn Trà nhiều người dân vùng phong tỏa cứng vẫn khó tiếp cận với thực phẩm, dù địa phương đã nỗ lực... Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch MTTQ VN quận Sơn Trà, cho biết những ngày đầu có lúng túng tuy nhiên hiện tại về cơ bản các khu dân cư đã dần tiếp cận được nhóm thực phẩm thiết yếu. 

Bản tin Covid-19 ngày 13.8: TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội sau 15.8, triển khai tiêm vắc xin Vero Cell

Bà Hà cho biết, bản thân sống ở khu vực phong tỏa nên có điều kiện thực tế. Hiện tại, địa phương đã dỡ một phần phong tỏa ở P.An Hải Bắc, còn lại vẫn phong tỏa cứng 5/7 phường, gồm Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái, Phước Mỹ, Nại Hiên Đông. Hiện, tại các chốt phong tỏa đã cho dựng những điểm cung ứng thực phẩm cho bà con. Theo đó, các tổ trưởng, tổ phó các tổ dân phố ra mua thực phẩm cho bà con. 
"Người dân nên kết nối đăng ký với tổ trưởng, tổ phó để được hỗ trợ mua thực phẩm tại các chốt, trước mắt chỉ có cách này, cũng tiện và an toàn cho bà con hơn. Nhiều người dân phản ánh gặp khó khăn khi đặt mua qua các app, dịch vụ, một phần vì họ quá tải nhân lực, phần vì di chuyển khó. Dịch khó khăn chung là vì vậy, tạm thời bà con hãy kết nối với các tổ để được trợ giúp về thực phẩm", bà Hà chia sẻ. 
Cũng theo bà Hà, hiện địa phương tập trung chia sẻ với địa bàn Nại Hiên Đông và Thọ Quang. Khu vực này diện rộng, dịch bệnh đang tiếp tục tăng và phức tạp. Địa bàn rộng, dân cư đông, nên hộ khó khăn cũng nhiều, bị phong tỏa là rất khó. 
Rút kinh nghiệm từ quận Sơn Trà trong đợt giãn cách, phong tỏa cứng nhiều khu vực, Sở Công thương Đà Nẵng cho biết đang tìm nhà cung ứng có năng lực và có kho dự trữ bảo đảm. Đồng thời, ưu tiên đơn vị có hệ thống bán lẻ hoặc liên kết tốt với hệ thống bán lẻ; bảo đảm việc vận chuyển kịp thời đến các phường, xã.
Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải xây dựng lực lượng tổ chức giám sát ở khu dân cư và cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân; triển khai kế hoạch hỗ trợ những đối tượng yếu thế, công nhân nghèo...
“UBND thành phố Đà Nẵng sẽ dự thảo văn bản gửi đến các ngành, địa phương góp ý trước khi hoàn thiện nhưng trên tinh thần đã giãn cách thì không đi đâu, mọi người phải ở nhà, trường hợp nào ra khỏi nhà sẽ bị xử lý nghiêm. Để làm tốt điều này, mỗi tổ dân phố cần nghiên cứu thành lập một đội cung ứng, bảo đảm lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân”, ông Quảng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.