Cách đây vài ngày, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố có bằng chứng cho thấy chính quyền Washington công khai xem xét một chiến dịch không kích phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này.
KCNA dẫn lời người phát ngôn nhấn mạnh việc công khai chiến dịch trước cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ diễn ra vào tháng 8 tới là không thể xem thường và dự đoán “viễn cảnh chiến tranh nguy hiểm” sẽ diễn ra vào thời điểm đó.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi chính quyền Bình Nhưỡng ngày 15.6 phản ứng giận dữ, lên án việc công ty phân tích chiến lược hàng đầu thế giới Stratfor (Mỹ) đưa ra kịch bản tấn công phủ đầu những cơ sở hạ tầng hạt nhân Triều Tiên là “biểu hiện cho tham vọng của Mỹ muốn tiến hành chiến tranh xâm lược”, theo tờ Chosun Ilbo. Cụ thể, Stratfor hồi cuối tháng 5 xuất bản nghiên cứu “Removing the Nuclear Threat” (tạm dịch: Loại bỏ mối đe dọa hạt nhân), mô tả chi tiết những mục tiêu cần tấn công để vô hiệu hóa những cơ sở phát triển hạt nhân của Triều Tiên, cũng như loại vũ khí mà Mỹ sẽ dùng để phá hủy chúng.
Hai kịch bản
Theo bài phân tích nói trên, khi xem xét một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên, có hai dạng tấn công mà Mỹ phải cân nhắc.
Thứ nhất là tấn công ở mức tối thiểu, chỉ tập trung phá hủy chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bằng cách không tấn công vào những mục tiêu khác của Triều Tiên, Washington có thể thuyết phục Bình Nhưỡng rằng cuộc tấn công không nhằm thay đổi chính quyền Triều Tiên, qua đó để ngỏ cánh cửa đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
|
Bất lợi của Mỹ trong kịch bản này là Triều Tiên sẽ biết trước việc Mỹ chuẩn bị cho một chiến lược tấn công như thế nên có thể sẽ đáp trả. Triều Tiên có thể tiến hành cuộc tấn công phủ đầu, bên cạnh việc bảo vệ và phân tán các đơn vị để tránh bom đạn của Mỹ. Washington không có lý do khơi mào cuộc chiến tranh lớn với Bình Nhưỡng, vì vậy, trong bài phân tích, Stratfor chỉ tập trung vào kịch bản tấn công ở mức tối thiểu.
Những mục tiêu nhắm tới
Để đảm bảo triệt tiêu năng lực hạt nhân Triều Tiên, có 3 loại mục tiêu mà Mỹ sẽ phải tấn công. Đó là cơ sở hạ tầng sản xuất hạt nhân, các kho đầu đạn, thiết bị hạt nhân và những bệ phóng. Trong đó, hạ tầng sản xuất hạt nhân gồm có Trung tâm nghiên cứu khoa học Yongbyon nằm tại huyện cùng tên, cách Bình Nhưỡng khoảng 80 km về phía bắc; cơ sở làm giàu và khai thác uranium Pyongsan tại tỉnh Bắc Hwanghae, giáp Bình Nhưỡng; cơ sở phát triển và nghiên cứu hạt nhân tại TP.Pyongsong, cách Bình Nhưỡng 32 km về hướng đông bắc; những mục tiêu khác như cơ sở làm giàu uranium Cheonma-san và bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nằm phía bắc Bình Nhưỡng.
Còn về kho đầu đạn, thiết bị, Triều Tiên được cho là sở hữu từ 10 - 25 thiết bị hoặc đầu đạn hạt nhân. Hiện chưa có thông tin về vị trí các kho vũ khí, đầu đạn ở Triều Tiên. Nước này đang nỗ lực thu nhỏ đầu đạn để gắn cho tên lửa. Trước mắt, Bình Nhưỡng tìm cách triển khai đầu đạn hạt nhân thông qua kho tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Triều Tiên đang sở hữu dưới 100 tên lửa tầm ngắn Toksa và Scud (có thể tấn công mục tiêu cách xa từ 100 - 700 km), gần 50 tên lửa tầm trung Nodong (tầm bắn tối đa 1.300 km, đủ sức đặt toàn bộ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trong tầm ngắm) và gần 50 tên lửa có tầm bắn từ 3.000 - 5.500 km (có thể vươn tới căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương).
Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08/KN-14 với tầm bắn tối đa lên tới 12.000 km, có thể vươn tới đất liền của Mỹ. Bình Nhưỡng được cho là đang ưu tiên phát triển kho tên lửa phóng từ các bệ phóng di động trên mặt đất để có thể di chuyển vũ khí hạt nhân và che giấu chúng khỏi hệ thống giám sát hoặc các cuộc không kích của kẻ thù.
Ngoài ra, Triều Tiên còn có thể sử dụng máy bay để triển khai vũ khí hay thiết bị hạt nhân, dù chúng đang lão hóa và dễ trở thành con mồi “dễ săn”. Trên giấy tờ, Triều Tiên có trên 800 máy bay tác chiến. Trong đó có nhiều chiếc đã được cải tiến để có thể thả bom hạt nhân, nhưng oanh tạc cơ H-5 mới thật sự có khả năng đảm nhiệm công việc này. Triều Tiên hiện nay được cho là đang sở hữu khoảng 80 chiếc H-5. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn đang vận hành tàu ngầm điện - diesel lớp Sinpo có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Loại tàu này hiện được dùng để thử SLBM KN-11.
|
Triều Tiên cũng có thể dùng phương tiện khác để triển khai đầu đạn hoặc thiết bị hạt nhân tới mục tiêu. Chiến thuật này gần như liên quan đến sứ mệnh tự sát dùng những phương tiện không chuyên. Chẳng hạn, Triều Tiên có thể dùng máy bay dân sự, tàu chở hàng thương mại hoặc tàu ngầm để chuyển vũ khí hạt nhân, nhưng trong mỗi trường hợp, khả năng cao nhất là thiết bị hạt nhân được con người kích hoạt ngay khi tiến tới mục tiêu. Dù đây không phải là những phương tiện vận chuyển vũ khí nhanh nhất, nhưng những chiêu triển khai vũ khí hạt nhân bí mật như trên có thể khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ đau đầu.
Bình luận (0)