Học trực tuyến, kiểm tra trên máy tính, điện thoại kết nối internet đã trở thành hoạt động giáo dục khá quen thuộc tại các trường ở TP.HCM.
Kiểm tra trực tuyến một phần
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), nói rằng Bộ cũng như Sở GD-ĐT đã công nhận hình thức học trực tuyến, cho phép các trường chủ động xây dựng và tổ chức các hình thức kiểm tra đánh giá học sinh (HS) một cách thực tế, phù hợp. Vì vậy, ngay từ năm 2019, nhà trường đã tổ chức các bài kiểm tra một tiết trên điện thoại, máy tính có kết nối internet thông qua phần mềm kiểm tra trực tuyến. Chính vì vậy, HS và giáo viên (GV) đã được ổn định tâm lý, tập huấn và thực nghiệm. GV đã quen với việc soạn đề thi, đáp án, cập nhật hệ thống dữ liệu, còn HS thì quen với cách tiếp cận đề thi, thao tác làm bài thi…
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của hiệu trưởng các trường thì hình thức kiểm tra nói trên mới chỉ được coi là trực tuyến một phần, tức HS vẫn đến trường tập trung và làm bài kiểm tra. Còn làm bài kiểm tra trực tuyến hoàn toàn trong điều kiện không thể đến trường thì chưa thực hiện.
Giáo viên lớp nào sẽ tổ chức thi theo lớp đó
Nếu như buộc phải thi trực tuyến, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay trên tinh thần vẫn chờ những chỉ đạo về chuyên môn của Bộ và hướng dẫn thực hiện của Sở. Thế nhưng, riêng về phía nhà trường, vị hiệu trưởng này cho biết đã tính đến kịch bản GV bộ môn của lớp nào sẽ thực hiện việc kiểm tra của lớp đó. Tức GV biên soạn đề theo ma trận chung của toàn trường và thực hiện theo từng lớp trên hệ thống nền tảng công nghệ. Như vậy sẽ giảm bớt tình trạng “rớt mạng” xảy ra nếu tổ chức thi tập trung cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, có hiệu trưởng chỉ ra rằng khi tổ chức hình thức thi trực tuyến, không loại trừ việc HS xem tài liệu, gửi bài trao đổi cho nhau nên kết quả không đảm bảo. Vì vậy, chính những người đứng đầu nhà trường tính toán phương án hạn chế bằng cách ra đề thi hướng mở, sử dụng các phần mềm kiểm tra đảm bảo tính ưu việt…
Trước tình huống dự báo này có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi dịch bệnh không thể lường trước, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM nói rằng hiện nay các trường tại TP đều đã tổ chức kiểm tra trên máy tính, điện thoại nhưng có sự giám sát trực tiếp của GV. Trong trường hợp HS không thể đến trường, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra quy định cụ thể làm sao đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chính xác.
Đà Nẵng tổ chức thi giãn cách
Ngày 5.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng không có chủ trương tổ chức đánh giá trực tuyến cuối kỳ vì điều kiện học trực tuyến của HS chưa đầy đủ và đồng bộ. Theo ông Linh, muốn đánh giá, kiểm tra trực tuyến thì phải đảm bảo 100% HS được học trực tuyến, tiếp cận được quá trình học trực tuyến. Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều HS không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho việc học trực tuyến, phụ huynh cũng không có điều kiện hỗ trợ...; nếu áp dụng sẽ dẫn đến không công bằng cho HS.
Ông Linh cũng chia sẻ thêm, vì tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng chưa đặt ra phương án phải cách ly xã hội nên Sở GD-ĐT vẫn chỉ đạo các trường lập kế hoạch giãn cách để tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối kỳ sau ngày 10.5, đặc biệt ưu tiên HS cuối cấp như lớp 5, lớp 9 và 12. “Phương án là mỗi phòng sẽ có 20 em đảm bảo giãn cách để làm bài được an toàn. Các khối lớp còn lại sẽ phân bố đều, giãn lịch, có thể chậm lại vài tháng tùy tình hình dịch bệnh. Miễn sao việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trước khi các em lên lớp là được, vì đó cũng là tình huống dịch bệnh bất khả kháng”, ông Linh nói.
An Dy
|
Bình luận (0)