Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga ở vùng biên giới với Syria gây
biến động lớn trong quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, đồng thời
làm thay đổi cục diện chính trị lẫn chiến tranh ở khu vực.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Caesar Kunikov của Nga khởi hành từ Istanbul hướng về Biển Đen ngày 25.11 - Ảnh: Reuters |
Theo những thể hiện của phía Nga thì nước này sẽ có biện pháp trả đũa thích đáng và quan hệ song phương không còn có thể cứ như trước. NATO cũng đã phòng ngừa khả năng Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga trả đũa bằng quân sự. Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đương nhiên phải chuẩn bị cho những tình huống mới. Nhưng đáng chú ý tương tự là việc Moscow vẫn kiên trì ủng hộ thành lập liên quân quốc tế mới chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nếu xảy ra đụng độ quân sự giữa Ankara và Moscow hoặc chỉ cần xảy ra một vụ việc tương tự vừa qua thì NATO sẽ hết sức khó xử. Nga lần này có thể không trả đũa về quân sự, nhưng chắc chắn sẽ phải có hành động ở lần thứ hai. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể không ý thức được đầy đủ khả năng này.
Nga vừa hứng cú đòn trực diện vào thể diện và uy danh. Tuy nhiên, nếu trả đũa ngay bằng quân sự thì Nga chỉ được mỗi điều là hả giận và gỡ gạc chút thể diện nhưng sẽ tổn hại về lợi ích chiến lược lâu dài. Điều quan trọng hơn đối với Nga phải là tranh thủ đối tác và tập hợp lực lượng để qua đó đồng thời có thể cô lập Thổ Nhĩ Kỳ. Trả đũa ngay lúc này thì Moscow chỉ khiến Ankara có lợi thêm. Cho nên cách hành xử của Nga là vừa cương vừa nhu.
NATO sẽ vừa khẳng định hậu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ vừa tìm cách ngăn ngừa leo thang căng thẳng. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không lặp lại chuyện vừa rồi nữa.
Bình luận (0)