Giảm giá vẫn không hút khách hàng
Hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi từ 50 - 70% của các cửa hàng, trung tâm thương mại từ đầu tháng 10 đến nay, khi TP.HCM cho mở cửa hoạt động trở lại, nhưng lượng khách hàng vẫn khá vắng.
Chị Ngọc Hà (ngụ Q.11, TP.HCM) cho hay cuối tuần qua, chị cũng đi dạo một vòng nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang nhưng chủ yếu để ngắm. Nếu như trước đây với các chương trình khuyến mãi chị sẽ mua sắm cho cả nhà lên đến tiền triệu, nhưng nay sau nhiều lần suy tính, chị chỉ mua cho hai đứa con với số tiền hơn 300.000 đồng. “Dịch bệnh vẫn còn và chưa biết khi nào cả nhà mới có thể được đi du lịch hay về quê. Vậy nên dù thích nhưng mua đồ mới cũng chưa có dịp mặc. Hơn nữa sau mấy tháng vừa qua thu nhập cả nhà cũng giảm hơn trước nên tiết kiệm chút xíu”, chị Hà chia sẻ.
Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc chuỗi thời trang K&K Fashion, cho biết sau hơn 1 tuần mở cửa hoạt động trở lại, doanh số bán ra của các cửa hàng chỉ mới hồi phục một phần, nhờ công ty tăng cường nhiều chương trình tư vấn, bán hàng qua mạng. Chẳng hạn công ty đã triển khai hoạt động video call tư vấn cho từng khách hàng về bộ sưu tập mới, nhưng doanh số cũng chỉ đạt chưa đến 50% so với trước khi có dịch. Hiện nay nhu cầu mua sắm hàng thời trang của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ở các TP lớn như TP.HCM không còn quá tập trung vào những dịp lễ tết mà rải đều trong năm, dù doanh số dịp cuối năm vẫn cao hơn 50% so với quý trước đó. Vì vậy, ông Thanh dự báo từ nay đến cuối năm, doanh số bán hàng cũng có cơ hội gia tăng nhưng vẫn sẽ thấp hơn năm 2020.
Người dân giảm mua sắm khiến thị trường tiêu dùng sụt giảm, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn |
M.Phương |
“Theo khảo sát, dù các cửa hàng, doanh nghiệp (DN) đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá thì lượng khách hàng cũng chưa tăng nhiều. Tôi nghĩ rằng nhiều gia đình vẫn còn lo lắng vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm chưa ổn định nên phải thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, ngoài sự cố gắng của DN thì nhà nước phải có chương trình hỗ trợ để gia tăng sức mua. Chẳng hạn trước hết cần cho phép các ngành nghề hoạt động trở lại cũng như việc vận chuyển hàng hóa và đi lại dễ dàng hơn. Các công ty khôi phục sản xuất sẽ giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định và sẽ gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm nhiều hơn”, ông Thanh nói.
Giảm thuế, phí để hạ giá hàng hóa
Theo nhiều DN, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí logistics và giá nguyên liệu nhập khẩu đều tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng gia tăng đáng kể, nên giá thành hàng hóa đã tăng và còn có nguy cơ tiếp tục tăng. Ngoại trừ các công ty hàng thời trang buộc phải khuyến mãi, giảm giá để nhanh chóng giải quyết hàng tồn kho, nhiều sản phẩm khác lại không thể giảm giá. Thậm chí, không ít DN còn đang đàm phán với đối tác, nhà phân phối nhằm điều chỉnh giá bán ra để không bị thua lỗ.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập giảm sâu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động quý 3/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 3/2021 còn thấp hơn đáng kể so với quý 2/2020 (5,2 triệu so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Vì vậy, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng để kích cầu tiêu dùng thường sẽ có 2 chính sách. Đó là các nước phát triển sử dụng việc chi tiền trực tiếp cho người dân. VN vừa qua cũng có hỗ trợ nhưng không đáng kể so với nhu cầu, và nguồn lực để thực hiện nhiều hơn cũng không có. Thứ hai là cần xem xét lại việc giảm các chính sách thuế, phí cho DN để kéo giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và giảm giá bán. Ví dụ có thể giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho nhiều loại hàng hóa để khuyến khích sức mua.
PGS-TS Ngô Trí Long phân tích thêm: Trong bối cảnh hiện nay, tổng cầu trong nước là quan trọng để góp phần gia tăng lại hoạt động sản xuất của các DN. Đồng thời, các tỉnh thành cũng đừng “ngăn sông cấm chợ” mà nhanh chóng tạo điều kiện để DN sản xuất, hoạt động càng nhanh càng tốt. Cũng như tạo thuận lợi trong việc di chuyển của người dân để họ có thể quay lại các công ty làm việc, từ đó có nguồn thu nhập trở lại và sẽ gia tăng chi tiêu.
Thúc đẩy đầu tư, chi tiêu công
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch nhiều nước đều áp dụng song song chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các nước phát triển như Mỹ, châu Âu thông qua việc giảm thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích chi tiêu. Nhưng đối với Việt Nam, động lực tăng trưởng kinh tế không phải từ tổng cầu tiêu dùng mà đến từ đầu tư công. Hơn nữa, trong tình hình Việt Nam vẫn mở cửa kinh tế nhưng thận trọng thì khó kéo tăng trưởng doanh thu bán lẻ tiêu dùng tăng lên như trước. Đặc biệt, hoạt động du lịch, lưu trú... lại càng khó hồi phục. Do đó, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Chính phủ cần triển khai nhanh các chương trình đầu tư công để duy trì lại động lực phát triển kinh tế. Từ đó sẽ kéo theo chi tiêu công và lan tỏa đến tiêu dùng của khu vực tư nhân. Song song đó, có thể thúc đẩy các DN nhà nước gia tăng đầu tư để tạo thêm sự lan tỏa cho những khu vực kinh tế khác. Từ đó cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, gia tăng thu nhập trở lại.
“Ở Việt Nam, các tập đoàn, DN nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, ngoài đầu tư công trực tiếp của nhà nước, thì phải thông qua khu vực kinh tế nhà nước đẩy mạnh đầu tư trong giai đoạn này. Việc đầu tư công sau đó sẽ thu hút và kéo theo đầu tư từ khu vực tư nhân, vì nếu không thì khối tư nhân sẽ thận trọng hơn”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ tháng 1 - 9.2021 giảm ở tất cả ngành hoạt động. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 308.800 tỉ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước và cả quý 3/2021 đạt 915.700 tỉ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3,36 triệu tỉ đồng, giảm 7,1% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).
Bình luận (0)