Doanh nghiệp, cơ quan thuế đều tiện lợi
Doanh nghiệp (DN) thuộc 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ đang triển khai mạnh việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Bà Phan Thị Nga, Giám đốc tài chính Công ty Perfetto VN (TP.HCM), phân tích việc áp dụng HĐĐT giúp cho công ty tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian so với dùng hóa đơn giấy trước đó. Cụ thể, DN chỉ cần đăng ký online một lần với cơ quan thuế là có thể áp dụng luôn HĐĐT và chủ động về số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ (theo tháng hay quý) trong khi trước đây phải mất thời gian lên chi cục thuế để đăng ký, chờ mua. Từ đó dẫn đến tiết kiệm được chi phí in hóa đơn, tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân công... Đó là chưa kể những bất cập khác. Ví dụ trong năm DN chỉ cần sử dụng số lượng rất ít nhưng mỗi lần đặt in tối thiểu cũng 10 cuốn, gây lãng phí không cần thiết. Nếu tính tất cả số lượng DN nhỏ trên cả nước thì khoản lãng phí này không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh hiện nay. Còn việc phát hành HĐĐT chỉ cần thông qua phần mềm kế toán, gửi email là đến được tay người nhận ngay, không mất thời gian thông qua đơn vị chuyển phát bưu chính, lại nảy sinh nguy cơ rủi ro là bị thất lạc, bị rách nát.
Các doanh nghiệp ở TP.HCM đã từng bước thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử cho người dân |
Ngọc dương |
Đại diện một DN khác bổ sung, việc sử dụng HĐĐT sẽ giúp bộ phận kế toán giảm được nhiều công sức trong trường hợp phải chỉnh sửa, thay đổi hóa đơn khi có sai sót. Với hóa đơn giấy, khi muốn hủy hóa đơn đã phát hành thì phải báo cáo lên chi cục thuế, giải trình lý do chi tiết và chờ đợi được chấp thuận. Sau đó, các DN mới có thể phát hành hóa đơn mới cho khách hàng. Việc này mất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Với HĐĐT việc sửa, hủy cũng đều được thực hiện qua phần mềm và chỉ cần thông qua email xác nhận không sử dụng hóa đơn vì lý do nào đó của khách hàng là sẽ có ngay hóa đơn mới.
Trong những tuần qua, cơ quan thuế đã ráo riết tập huấn, kết nối dữ liệu triển khai HĐĐT tại các DN như VNPT, Viettel, MobiFone, Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). 10 ngày đầu tháng 11, cơ quan thuế cũng đã tiến hành kết nối kỹ thuật và kiểm thử hệ thống của 20 tổ chức trực tiếp tại Tổng cục Thuế và đã hoàn thành các nội dung. Quy trình cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh đảm bảo việc kiểm soát các bước công việc thực hiện và trả kết quả cho người nộp thuế (cả trường hợp hợp lệ được cấp mã hóa đơn và trường hợp không hợp lệ) đã được thông suốt. Riêng đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, việc triển khai HĐĐT sẽ được thực hiện từ 1.1.2022.
Chống gian lận thuế
Đã sử dụng HĐĐT hơn 1 năm qua, chủ một DN tại TP.HCM nhận xét “rất tiện lợi”. Từ việc phát hành, gửi HĐĐT cho khách hàng đều nhanh chóng. Trước đây khách phải chờ đợi có khi vài ngày mới nhận được thì nay chỉ cần khách ghi lại thông tin đầy đủ thì sáng hôm sau sẽ nhận được hóa đơn qua email, không sợ thất lạc.
Một số DN trong lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, đồ uống thì bày tỏ e ngại rằng sắp tới khi phải kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế, chính sách giá bán có thể sẽ thay đổi theo hướng khó khăn hơn cho cả người mua và người bán. Bởi đơn giá của dịch vụ ẩm thực hiện nay là chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Chỉ khi nào khách hàng cần hóa đơn thì các nhà hàng, quán xá phát hành và cộng thêm 10% thuế GTGT. Trên thực tế có nhiều cá nhân, gia đình dù tổ chức sinh nhật, tiệc… vẫn không có nhu cầu lấy hóa đơn nên chỉ tính trên đơn giá bán. Nếu trong thời gian tới, máy tính tiền được kết nối và nhà hàng phải phát hành toàn bộ HĐĐT thì bắt buộc người dùng đều phải chịu thêm số tiền 10% thuế GTGT. Điều đó vô hình trung khiến giá cả gia tăng và có thể doanh thu của các đơn vị, công ty sẽ giảm xuống nếu người tiêu dùng không được sử dụng hóa đơn để khấu trừ trong chi phí trước khi đóng thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng theo chuyên gia, việc yêu cầu các đơn vị bán hàng đều xuất hóa đơn sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, các đơn vị không lợi dụng trốn thuế để tạo lợi thế cạnh tranh về giá.
Lộ trình áp dụng HĐĐT
Được quy định tại Nghị định 123/2020 và được hướng dẫn tại Thông tư 78/2021 như sau:
Trước ngày 1.7.2022, chỉ bắt buộc áp dụng HĐĐT đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng HĐĐT mà đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.
Từ ngày 1.7.2022, bắt buộc áp dụng HĐĐT, trừ một số trường hợp như DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử…
Ngoài tiện ích cho phía DN như được đề cập ở trên, Cục Thuế TP.HCM cho biết sử dụng HĐĐT còn tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ bởi người mua hàng có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế ngừng ngay không cho DN bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn sẽ hạn chế việc người mua sử dụng phải hóa đơn của các DN này. Ngoài ra, HĐĐT còn góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN, hỗ trợ các DN trong việc chuyển đổi số; giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao HĐĐT qua mạng, thanh toán qua mạng… Về mặt quản lý, Cục Thuế TP.HCM cho biết sử dụng HĐĐT giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay; góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Tổng cục Thuế lưu ý các đơn vị triển khai đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo mật dữ liệu, sẵn sàng hỗ trợ các DN chưa chuyển đổi hay các DN lo ngại về vấn đề bảo mật khi chuyển sang sử dụng hóa đơn.
Bình luận (0)