'Kích' lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp

04/02/2023 07:38 GMT+7

Bộ Tài chính cho biết trong tuần tới sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi để "kích" lại kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.

LÙI XẾP HẠNG TÍN NHIỆM, ĐIỀU KIỆN VỀ NHÀ ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP

Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành trong cuối năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời gian áp dụng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong Nghị định 65. Cụ thể, quy định này sẽ thực hiện từ đầu năm 2024 thay vì từ đầu năm 2023. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến ngày 1.1.2024. Nhưng riêng đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra công chúng vẫn thực hiện theo lộ trình là phải có xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1.1.2023. 

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất hoãn thực hiện quy định về thời gian phân phối trái phiếu trong vòng 1 năm đến ngày 1.1.2024 (Nghị định 65 quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành không vượt quá 30 ngày, quy định trước là 90 ngày). Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp (DN) được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư. Đồng thời kiến nghị cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác…

“Kích” lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cần xem xét tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Ngọc Thắng

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét việc lùi áp dụng quy định về xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp 1 năm là phù hợp với bối cảnh thị trường chứng khoán hiện gặp khó. Dù vậy nên rút ngắn thời gian nhà đầu tư phải nắm giữ danh mục chứng khoán trị giá 2 tỉ đồng trong 30 ngày đến 60 ngày thay vì kéo dài đến 180 ngày liên tục. Việc chỉnh sửa vẫn đảm bảo hạn chế các nhà đầu tư không trang bị kiến thức về trái phiếu, tránh rủi ro cho chính họ khi rót tiền vào sản phẩm này như thời gian qua nhưng không quá khắt khe khi bắt buộc phải kéo dài thời gian danh mục sở hữu chứng khoán. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chương trình hoãn nợ cụ thể đối với một số DN (có điều kiện kèm theo) để có thời gian hồi phục, tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền theo hiệu ứng domino. Đây là các DN đã phát hành trái phiếu đúng quy định, có công bố thông tin rõ ràng và không sai phạm trong việc sử dụng vốn huy động từ TPDN…

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Trong văn bản góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) nhận định việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc là cơ sở quan trọng để làm lành mạnh hóa và tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu VN tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng "con gà quả trứng" - khi chưa có cầu thì rất khó có cung, và khi chưa có cung rất khó quy định bắt buộc. 

Nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ đầu năm 2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay. Nhưng nếu lùi thời hạn áp dụng đến đầu năm 2024 thì có thể sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số DN phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà.

Một số điều kiện để phát hành TPDN bắt buộc về lâu dài phải theo hướng chặt chẽ hơn. Chẳng hạn trong phương án phát hành, các dự án của DN đó đã được phê duyệt, cấp phép.
TS Huỳnh Thanh Điền

Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong khi lùi việc áp dụng một số quy định khác để tạo điều kiện cho DN lẫn nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN thì việc yêu cầu phải xếp hạng tín nhiệm là cần thực hiện ngay. Đây là quy định để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, tránh những rủi ro trong thị trường. Hơn nữa, xếp hạng tín nhiệm cần áp dụng cho tất cả các công ty khi muốn phát hành TPDN ra công chúng (Nghị định 65 nêu gồm tổng giá trị trái phiếu phát hành lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu của DN mới bắt buộc xếp hạng tín nhiệm). Song song đó, phải tăng cường vai trò và trách nhiệm của cơ quan giám sát đối với DN khi phát hành trái phiếu ra công chúng và việc sử dụng nguồn tiền huy động được. Bởi thời gian qua các quy định không nêu rõ cơ quan nào giám sát về cả việc phát hành lẫn việc sử dụng vốn nên các DN đã làm sai và dẫn đến hậu quả mất khả năng thanh toán cho trái chủ.

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Việc chỉnh sửa hay lùi thời gian áp dụng một số quy định tại Nghị định 65 chỉ mang tính ngắn hạn. Vấn đề quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư đã bị giảm sút mạnh sau những vụ vi phạm trong năm vừa qua. Vì vậy, các chính sách liên quan đến TPDN phải làm thế nào để tạo ra niềm tin cho NĐT. Chẳng hạn, mỗi DN khi phát hành trái phiếu đều phải có phương án kinh doanh với mục đích sử dụng vốn. Thế nhưng, NĐT sẽ cần quan tâm rằng phương án kinh doanh đó có ai thẩm định hay không? Đơn vị thẩm định đó sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi DN sử dụng vốn sai mục đích? Tương tự, từ trước đến nay nhiều người mua trái phiếu thông qua ngân hàng thường nhầm lẫn rằng nếu DN không trả được nợ thì ngân hàng sẽ trả thay. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không có vì ngân hàng không bảo lãnh thanh toán. Vì vậy, nên quy định rõ những dự án nào do ngân hàng bảo lãnh phát hành thì phải song hành với bảo lãnh thanh toán hay không? Có như vậy nhà đầu tư mới mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư vào trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 65 quy định TPDN đã phát hành và còn dư nợ thì DN không được thay đổi kỳ hạn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, DN khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024. Do  vậy, việc cho phép được gia hạn TPDN nhằm hỗ trợ DN có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại khoản nợ. Việc cho phép gia hạn này về mặt tổng thể thị trường sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 - 2024 nhưng phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số TPDP đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành).

TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Khi quy định phải có xếp hạng tín nhiệm DN thì nêu rõ trách nhiệm của tổ chức xếp hạng. Tương tự, cơ quan nào giám sát phương án phát hành hay sử dụng vốn cũng phải được nêu rõ. "Một số điều kiện để phát hành TPDN bắt buộc về lâu dài phải theo hướng chặt chẽ hơn. Chẳng hạn trong phương án phát hành, các dự án của DN đó đã được phê duyệt, cấp phép. Chưa nói đến dự án xây dựng chung cư hay khu đô thị… thì ngay cả DN muốn vay vốn xây dựng nhà xưởng thì dự án cũng phải có sự chấp thuận từ cơ quan thẩm quyền. Nếu không nêu rõ thì như trước đây DN nào cũng có thể phát hành trái phiếu, huy động vốn từ người dân dù dự án chỉ "vẽ" ra. Từ đó mới có thể giúp NĐT yên tâm và từ đó các DN có dự án khả thi, kinh doanh tốt cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn dài hạn", TS Huỳnh Thanh Điền chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.